Thứ Ba, 22 tháng 7, 2014

Nguy hiểm do xoắn đại tràng

Xoắn đại tràng là bệnh thường gặp, gây tắc nghẽn, thiếu máu cục bộ có thể dẫn đến hoại tử và thủng đại tràng. Vị trí xoắn phổ biến nhất là đại tràng xích ma và manh tràng, tuy nhiên, xoắn đại tràng ngang và đại tràng góc lách cũng có thể xảy ra. Mức độ xoắn từ 180 - 540 độ, gây trướng ruột, tắc nghẽn tĩnh mạch, giảm tưới máu động mạch vì xoắn mạc treo.
Hình ảnh xoắn đại tràng trên phim Xquang.
Hình ảnh xoắn đại tràng trên phim Xquang.
Hai dạng xoắn đại tràng thường gặp
Có nhiều vị trí có thể xảy ra xoắn đại tràng, tuy nhiên trên thực tế hay gặp hai dạng bệnh sau:
Xoắn đại tràng xích-ma: Là loại xoắn đại tràng phổ biến nhất và chiếm khoảng 8% các trường hợp tắc ruột. Tuy bệnh hay gặp ở bệnh nhân trên 50 tuổi, nhưng trẻ em cũng có tần suất mắc bệnh khá cao. Bệnh có thể diễn tiến mạn tính, bán cấp hoặc cấp tính. Cho đến nay, nguyên nhân gây xoắn đại tràng xích-ma chưa được biết rõ. Nhưng người ta biết được một số yếu tố nguy cơ gây bệnh là: đại tràng xích-ma dài, hai chân đại tràng xích-ma gần nhau do dày dính; bệnh nhân mắc bệnh táo bón; hoặc mắc bệnh phình đại tràng bẩm sinh.
Xoắn manh tràng: Chiếm tỷ lệ từ 1-3% các trường hợp tắc ruột, hay gặp ở bệnh nhân trong độ tuổi từ 20-40. Bệnh bẩm sinh gây bất thường cố định đại tràng lên và manh tràng vào thành bụng là nguyên nhân chính của xoắn manh tràng. Các yếu tố nguy cơ gây bệnh gồm: dày dính, phụ nữ có thai, u vùng chậu, thói quen ăn quá no...
Có hai hình thức xoắn manh tràng: một là xoắn thật sự, tức là manh tràng xoay quanh trục đại tràng lên, chiếm tỷ lệ 2/3 các trường hợp và dẫn đến hoại tử sớm. Hai là gập góc manh tràng: manh tràng bị gập lên trên và vào giữa theo trục ngang. Nguyên nhân thường do dây dính chắn ngang đại tràng lên. Thể bệnh xoắn này có thể được tháo xoắn bằng thủ thuật nội soi hay thụt baryt đại tràng.
Dấu hiệu phát hiện xoắn đại tràng
Một bệnh nhân bị xoắn đại tràng thường có các dấu hiệu như sau: đau bụng dữ dội là triệu chứng khởi đầu và phổ biến nhất của xoắn đại tràng. Cơn đau có thể lan ra khắp vùng bụng sau khi khởi đầu bằng đau ở nơi xoắn. Trướng bụng là một dấu hiệu quan trọng: nếu trướng bụng ở bên phải thường là xoắn manh tràng; còn trướng bụng ở phía bên trái thường là xoắn đại tràng xích-ma. Nhưng chỉ trong vài giờ, toàn bộ bụng của bệnh nhân sẽ phình to. Nôn là triệu chứng khá phổ biến, nhưng thường thấy nấc và buồn nôn trước khi nôn thực sự. Bệnh nhân còn bị bí trung và đại tiện. Xoắn đại tràng nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh nhân có thể bị sốc với các triệu chứng: mạch nhanh và yếu, tụt huyết áp, nhiễm khuẩn huyết, khó thở và sốt...
Trường hợp bệnh nhân bị xoắn đại tràng xích-ma mạn tính thường có các biểu hiện trướng bụng, nặng bụng dưới và táo bón, hội chứng bán tắc ruột. Trên thực tế rất khó phân biệt xoắn đại tràng xích-ma cấp tính với xoắn manh tràng cấp tính. Việc dựa vào tuổi của bệnh nhân là một yếu tố gợi ý chẩn đoán: rằng xoắn đại tràng xích-ma thường gặp ở người lớn tuổi.
Trường hợp bệnh nhân bị xoắn đại tràng hoại tử, thường có các dấu hiệu: sốt, bụng ấn đau và có phản ứng thành bụng. Nếu bị thủng đại tràng thì có triệu chứng nổi bật là viêm phúc mạc toàn thể, với các triệu chứng sốc và dấu hiệu nhiễm khuẩn, nhiễm độc.
Thầy thuốc khám thăm trực tràng thấy bóng trực tràng rỗng.
Chụp phim Xquang có thể chẩn đoán xác định 60-70% các trường hợp xoắn đại tràng xích-ma với hình ảnh ống hơi hình chữ U lộn ngược chiếm gần hết ổ bụng, hai chân của chữ U hướng về vùng hốc chậu; đại tràng phải giãn và chứa đầy phân; đại tràng xuống bị kéo về đường giữa... Chụp Xquang bụng có thể chẩn đoán xác định hầu hết các trường hợp xoắn manh tràng, với hình ảnh: một “khối hơi” có các đặc điểm của manh tràng. Chụp Xquang đại tràng với Barium vừa có tác dụng chẩn đoán vừa có tác dụng điều trị.
Phương pháp điều trị
Xoắn đại tràng xích-ma có thể tháo xoắn qua đường trực tràng, là phương pháp điều trị thích hợp vì đa số bệnh nhân lớn tuổi, có nguy cơ tai biến phẫu thuật cao. Phẫu thuật cấp cứu được chỉ định trong các trường hợp: thủng hay hoại tử đại tràng; tháo xoắn qua đường trực tràng thất bại.
Xoắn manh tràng, nếu chưa có dấu hiệu hoại tử, thường điều trị bảo tồn bằng tháo xoắn qua thụt Barium hoặc nội soi đại tràng. Tuy nhiên sau đó phải sắp xếp phẫu thuật theo kế hoạch để đính manh tràng và đại tràng lên vào thành bụng. Trường hợp tháo xoắn bằng kỹ thuật thụt Barium thất bại hoặc có dấu hiệu hoại tử manh tràng cần phải phẫu thuật để điều trị. Tuy nhiên, tỉ lệ tử vong cũng khá cao, chủ yếu do chẩn đoán muộn và việc kéo dài thời gian điều trị bảo tồn.
Lời khuyên của bác sĩ
Xoắn đại tràng là một bệnh có diễn biến khá nặng, có thể gây hoại tử, thủng đại tràng, viêm phúc mạc toàn thể... và tử vong. Vì vậy, việc phòng tránh bệnh có ý nghĩa rất quan trọng cho mỗi người.
Trong các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây bệnh, có những yếu tố có thể phòng tránh được bằng các biện pháp đơn giản và hiệu quả: phòng tránh bệnh táo bón bằng chế độ ăn dễ tiêu, uống nước đầy đủ và nhất là cần đi tiêu mỗi ngày 1 lần, đúng giờ, chẳng hạn buổi sáng sớm. Nên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị sớm các bệnh: phình đại tràng bẩm sinh, u vùng chậu, bỏ thói quen ăn quá no... Phụ nữ có thai cần lưu ý phát hiện các dấu hiệu của xoắn đại tràng để điều trị kịp thời.

ThS. Nguyễn Xuân Lãm

Những triệu chứng báo hiệu bệnh ung thư dạ dày

Phần lớn bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn sớm không được phát hiện kịp thời do những dấu hiệu ung thư dạ dày thời kỳ đầu không rõ rệt. Vậy làm thế nào để phát hiện sớm ung thư dạ dày?
Trên thế giới, mỗi năm có hơn 800.000 người tử vong do ung thư dạ dày và Việt Nam nằm trong số những nước có tần suất mắc ung thư dạ dày cao. Việc nhận biết những dấu hiệu ung thư dạ dày để phòng tránh kịp thời căn bệnh nguy hiểm này là điều vô cùng cần thiết.
Phần lớn bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn sớm không được phát hiện kịp thời do những dấu hiệu ung thư dạ dày thời kỳ đầu không rõ rệt. Vậy làm thế nào để phát hiện sớm ung thư dạ dày?
Dấu hiệu ung thư dạ dày giai đoạn đầu: Chướng bụng đầy hơi. Triệu chứng này thường xuất hiện trong suốt quá trình mắc bệnh của bệnh nhân ung thư dạ dày. Trên 70% số bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn đầu có biểu hiện chướng bụng, đầy hơi rõ rệt. Tình trạng này thường xảy ra trong những thời điểm yên tĩnh. Khi hoạt động thể thao, phân tán tư tưởng, triệu chứng này mất đi nhưng vẫn khiến hiệu quả điều tiết ăn uống của bệnh nhân suy giảm.
Những triệu chứng báo hiệu nguy cơ mắc ung thư dạ dày
Ợ chua, nóng ruột là biểu hiện của đau dạ dày (Ảnh minh họa)
Ợ chua, nóng ruột (nóng dạ dày)
Các bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn này thường có cảm giác khó chịu, nhâm nhẩm đau ở dạ dày, uống thuốc thấy giảm. Một số trường hợp sau khi ăn có cảm giác khó chịu, ợ nóng, khi đi khám có thể bị chẩn đoán nhầm sang viêm dạ dày. Sút cân, mệt mỏi.
Hiện tượng này xuất hiện do bệnh nhân có biểu hiện chán ăn lâu ngày. Thực tế chán ăn mệt mỏi cũng là dấu hiệu ung thư dạ dày dễ nhận biết của những người mắc ung thư dạ dày. Nhưng do không có cơn đau dữ dội nên nhiều bệnh nhân đã chủ quan không đi khám. Những bệnh nhân mắc bệnh thời gian dài, có thể xuất hiện hiện tượng xuất huyết đường tiêu hóa, biểu hiện như nôn ra máu, đại tiện phân đen, hoặc xét nghiệm tìm thấy hồng cầu trong máu.
Dấu hiệu ung thư dạ dày giai đoạn muộn: Đau bụng dữ dội, thời gian đau lâu, uống thuốc không đỡ.Những biểu hiện dưới đây của ung thư dạ dày giai đoạn muộn thực chất là những biểu hiện của ung thư dạ dày giai đoạn sớm nhưng biểu hiện nặng hơn.
Những triệu chứng báo hiệu nguy cơ mắc ung thư dạ dày
Dạ dày gây đau bụng dữ dội (Ảnh minh họa)
Sút cân và thiếu máu
Bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn cuối khả năng di căn cao. Thông thường là trực tiếp xâm lấn sang các tạng xung quanh như tụy, gan, đại tràng ngang … hoặc cũng có thể di căn hạch ổ bụng, hạch cạnh dạ dày, di căn xa...Bên cạnh đó, khối u dạ dày có thể dẫn tới các biến chứng thủng dạ dày, xuất huyết, hoại tử, tắc .v.v…
Bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn cuối còn có biểu hiện đau thượng vị, chán ăn, sút cân, mệt mỏi, buồn nôn, nôn ói, đại tiện ra máu hoặc phân đen v.v…Nuốt nghẹn, nôn. Ngoài ra, cũng có một số dấu hiệu đau dạ dày khác như hiện tượng nuốt nghẹn, nôn. Ung thư dạ dày có thể dẫn tới thủng dạ dày cấp, đau bụng, viêm phúc mạc. Một số trường hợp lại có biểu hiện tiêu chảy, táo bón, đau bụng dưới, sốt…Ung thư dạ dày giai đoạn cuối triệu chứng rất rõ rệt, vì vậy khiến bệnh nhân rất đau đớn. Việc phát hiện sớm, chẩn đoán sớm, điều trị sớm sẽ nâng cao hiệu quả điều trị.

8 lời khuyên "sống khỏe" cho người đau dạ dày

Sau đây là 8 lời khuyên hữu ích giúp hỗ trợ điều trị hiệu quả căn bệnh đau dạ dày. Đây đồng thời còn là thói quen rất tốt để duy trì một hệ tiêu hóa khỏe mạnh.
Khi có dấu hiệu đau dạ dày người bệnh nên ăn uống điều độ đúng giờ, không ăn quá no hoặc để bụng quá đói; ăn chậm, nhai kỹ trong một không gian thư giãn sẽ tốt cho việc tiêu hóa thức ăn. Hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu bia, cà phê, các thức ăn chua, cay, thức uống có ga, không uống quá lạnh, nên ăn thức ăn mềm, dễ tiêu; kiêng ăn các thực phẩm mặn. Giữ vệ sinh khi ăn uống, rửa sạch rau quả, rửa tay trước khi ăn.
1. Bệnh nhân loét dạ dày, viêm dạ dày không nên ăn lạnh
Bởi vì bệnh nhân loét, viêm dạ dày có chức năng tiêu hóa kém, khi ăn lạnh dễ bị kích thích đường tiêu hóa, ảnh hưởng đến tiêu hóa khiến bệnh nặng hơn. Ngay cả sau bữa ăn cũng không nên uống đồ uống lạnh. Vì sau khi ăn thức ăn vẫn còn tồn tại trong dại dày và các cơ quan tiêu hóa khác, nếu ngay lập tức uống đồ uống lạnh sẽ khiến cho dạ dày phải mở rộng mạch máu, làm giảm lưu lượng máu đến các cơ quan khác, cản trở quá trình tiêu hóa bình thường.
8 lời khuyên "sống khỏe" cho người đau dạ dày
Nước lạnh cũng dễ kích thích khiến nhu động đường tiêu hóa tăng nhanh, ảnh hưởng đến sự hấp thụ chất dinh dưỡng của cơ thể. Trong khi đó nó còn làm loãng dịch dạ dày, ảnh hưởng đến tiêu hóa. Ngoài ra, người già bị rối loạn chức năng tiêu hóa nói chung, khả năng chịu lạnh cũng đã giảm cũng không nên ăn nhiều đồ lạnh để không gây ra các rối loạn tiêu hóa.
2. Mát xa trước khi đi ngủ
8 lời khuyên "sống khỏe" cho người đau dạ dày
Sau khi ăn tối, trước khi đi ngủ bạn có thể xoa tay của bạn xung quanh rốn 64 vòng theo chiều kim đồng hồ. Kết thúc chà tay của bạn ở vùng bụng dưới. Thao tác đơn giản này không chỉ giúp duy trì trạng thái ổn định cho dạ dày mà còn kích thích dạ dày hoạt động tốt hơn, tránh lo lắng, giận dữ và các kích thích cảm xúc tiêu cực khác.
3. Nên tránh một vài loại trái cây và rau quả
Trái cây và rau quả rất tốt cho sức khỏe con người, nhưng riêng với bệnh nhân dạ dày cần tránh một số loại thực phẩm. Chẳng hạn như súp lơ xanh và bắp cải là những loại rau có chứa nhiều chất xơ, có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên khi đi vào đường ruột, nó lại dễ sinh ra nhiều khí gây đầy bụng. Vì vậy, với người đau dạ dày, nên nấu chín súp lơ xanh và bắp cải trước khi sử dụng.
8 lời khuyên "sống khỏe" cho người đau dạ dày
Dưa chuột, dưa hấu có tính lạnh (hàn), người đau dạ dày phần lớn là do tỳ vị hư hàn, nếu ăn vào gây đầy bụng, tiêu chảy. Quả dứa có nhiều a-xít hữu cơ và có một số enzyme có tác dụng làm tiêu protein, không có lợi cho người đau dạ dày, làm tăng viêm loét niêm mạc dạ dày. Đu đủ xanh có chứa nhiều papain trong nhựa. Chất này làm mòn niêm mạc dạ dày, người đau dạ dày không nên ăn.
4. Không nên ăn thức ăn nhiều gia vị
Người đau dạ dày cần cẩn trọng trong ăn uống. Nếu những thực phẩm nào dùng vào mà có biểu hiện đau tăng lên, làm đầy bụng, sinh hơi, hoặc tiêu chảy thì cần kiêng, hoặc hạn chế dùng. Người bị bệnh này nên hạn chế ăn thức ăn nhiều gia vị như chiên, hun khói hay đồ nướng… Không ăn đồ ăn có tính axit mạnh hay chứa cafein (là chất kích thích) như trà, cà phê… Chè xanh rất tốt với người bình thường nhưng rất hại với người đau dạ dày, làm cho cơn đau dạ dày tăng lên, nhất là chè xanh đặc và uống vào lúc đói.
5. Không tập thể dục ngay sau khi ăn
8 lời khuyên "sống khỏe" cho người đau dạ dày

Sau khi ăn không nên tập thể dục, đặc biệt là với người có bệnh dạ dày. Tốt nhất sau bữa ăn bạn nên nghỉ ngơi để thức ăn có thời gian tiêu hóa, dạ dày có sự tập trung để “làm việc”. Vì vậy, nếu muốn đi bộ thì hãy chờ 30 phút sau bữa ăn.
6. Hạn chế ăn đậu nành và các chế phẩm từ đậu nành
8 lời khuyên "sống khỏe" cho người đau dạ dày

Sữa đậu nành là tốt, nhưng đối với những người có vấn đề về dạ dày nên hạn chế uống và ăn các thực phẩm từ đậu nành.
7. Uống trà ấm
8 lời khuyên "sống khỏe" cho người đau dạ dày
Uống trà ấm là một thói quen lý tưởng đối với bệnh nhân dạ dày, nhiệt độ uống tốt là từ 30-32 độ C. Nhiệt độ thấp hơn là lạnh hơn so với dạ dày, dễ gây co thắt mạch máu, dẫn đến phòng vệ của dạ dày giảm, ảnh hưởng tới sức khỏe của nó.
8. Nên ăn theo định lượng (về cả thời gian và khẩu phần)
Người đã có vấn đề về tiêu hóa tốt nhất nên thiết lập cho mình một lịch trình về thời gian và khẩu phần ăn, và sau đó nghiêm chỉnh tuân thủ. Việc ăn quá nhanh hay quá chậm cũng sẽ gây áp lực cho dạ dày. Nếu khi ăn nhai không kỹ, ăn nhanh nuốt vội, thức ăn chưa được nghiền nhỏ sẽ tăng thêm gánh nặng cho dạ dày, kéo dài thời gian lưu giữ thức ăn trong dạ dày, dẫn tới tổn thương niêm mạc dạ dày. Việc nhai chậm, nhai kỹ có thể tăng tiết dịch tụy, từ đó làm cho dịch mật và axit hydrochloric giảm, rất có lợi cho dạ dày.
Việc ăn quá no cũng ảnh hưởng không tốt. Có một số người thường xuyên bổ sung dinh dưỡng tập trung vào buổi tối vì cả ngày đi làm, buổi trưa không có thời gian, hoặc có người quen ăn thêm gì đó trước lúc đi ngủ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ, ngủ không an giấc, dễ tăng cân. Đồng thời còn có thể kích thích niêm mạc dạ dày bài tiết quá nhiều axit hydrochloric, gây viêm loét dạ dày.

Hiểm họa táo bón với dân văn phòng

Trong nhịp sống hối hả và bận rộn, sự phổ biến của thực phẩm ăn nhanh chứa nhiều phụ gia, đường, muối, mỡ bão hòa, ít chất xơ, cộng thêm cơ thể ít vận động,… khiến số người bị táo bón ngày càng nhiều. Theo các cuộc khảo sát gần đây nhất, nhóm đối tượng chiếm tỉ lệ bệnh cao là dân văn phòng/công sở, do tính chất, áp lực công việc,…
Táo bón không chừa một ai
Theo số liệu thống kê của Đại học Y Dược TP.HCM, tại Việt Nam, cứ 3 người thì có 1 người mắc bệnh táo bón, 59% số bệnh nhân bị táo bón là do những nguyên nhân chủ quan. Riêng những năm gần đây, tình trạng bệnh ở độ tuổi từ 25-35, đặc biệt là đối tượng dân văn phòng, đang ngày càng tăng mạnh.
Hiểm họa táo bón với dân văn phòng
Bệnh táo bón là một chứng bệnh thường gặp, không chỉ gây cho người bệnh những cảm giác khó chịu mà còn có thể dẫn đến một số vấn đề nguy hiểm hơn cho sức khỏe.
Nguyên nhân  gây nên táo bón
- Do dinh dưỡng: những người bị táo bón thường có chế độ ăn không hợp lý, đặc biệt với những người ăn ít chất xơ. Người có chế độ ăn kiêng khắt khe cũng dễ bị táo bón.
- Uống ít nước: nước đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa trong cơ thể và giúp thức ăn dễ tiêu hóa. Khi lượng nước không đủ đáp ứng nhu cầu của cơ thể, rất dễ gây táo bón.
- Do tâm lý: thói quen nhịn đi cầu, đặc biệt là vừa đi vừa đọc sách, báo làm kéo dài thời gian đại tiện cũng là một trong những nguyên nhân gây ra táo bón.
- Một số nguyên nhân khác: bệnh lý ở đại tràng, các bệnh nội tiết như suy giáp trạng, cường giáp trạng... Sử dụng thuốc làm giảm chức năng vận chuyển đại tràng như: thuốc giảm đau, thuốc điều trị tăng huyết áp. Nghề nghiệp phải ngồi lâu, ít vận động cũng là một nguyên nhân của táo bón.
Hậu quả khó lường
Táo bón, một chứng bệnh nghe có vẻ đơn giản, nhưng đừng chủ quan coi thường, không ít người đã phải chịu những tác hại khôn lường từ chứng bệnh này, thậm chí dẫn đến tử vong vì “ủ bệnh” quá lâu mà không có biện pháp điều trị kịp thời.
Điển hình là chị Nguyễn Thị Lan, 32 tuổi, một nhân viên công sở bị táo bón mãn tính đã hơn 05 năm, mỗi lần đại tiện rất khổ sở, không chỉ ra máu mà còn lòi thịt ra cả hậu môn. Chị đã cắt trĩ đau đớn vô cùng, nhưng vẫn không hết. Chấp nhận sống chung với bệnh, mỗi lần lòi ra, chị lại ấn vào, nhưng gần đây chỗ đó xuất hiện cả một khối phồng như quả cà chua, thường kèm theo rớm máu, đau, chảy nhầy hoặc són phân liên tục, không ấn vào được. Đoạn trực tràng sa bị nghẽn vì cơ hậu môn co thắt, phù nề, niêm mạc tím tái dần có các mảng hoại tử.
Nguy hiểm hơn, trường hợp của anh Đinh Văn An là trưởng phòng 1 công ty  xây dựng tại Q.2. Do phải làm việc liên tục, cộng thêm việc ăn uống thiếu chất dẫn tới táo bón có khi cả tuần lễ không đi tiêu được. Hậu quả bệnh nhân bị thủng ruột do quá trình táo bón lâu ngày gây biến chứng ruột cấp dẫn đến thủng đại tràng xích-ma, thêm việc để lâu không có phương pháp điều trị đúng cách nên khi đưa tới bệnh viện thì đã quá muộn, gây biến chứng nặng nề.
Theo Bác sĩ Hồ Lê Ái Xuân - Trung tâm Tầm Soát Sức Khỏe: “Hầu hết với các trường hợp trên, nguyên nhân do quá trình chậm lưu thông của phân trong ruột già dẫn đến rối loạn tái hấp thu chất độc ngược lại cơ thể gây nhiễm độc và nhiễm khuẩn. Quá trình bán tắc có thể dẫn tới phân bị cô đặc tạo thành sỏi phân gây tắc ruột nếu phẫu thuật không kịp thời có thể vỡ ruột gây viêm phúc mạc như trường hợp trên là rất nặng nề vì bệnh nhân phải chấp nhận đến hai lần mổ, không chỉ gây tổn hại sức khoẻ mà đôi khi người bệnh phải đối diện với nguy cơ tử vong. Chẳng những vậy mà còn có thể bị tắc ruột sau mổ trở lại”
Chữa táo bón: trăm phương nghìn kế
Nhiều người muốn giải quyết nhanh bệnh táo bón thường sử dụng tân dược. Tuy nhiên, nhiều loại thuốc thường đi kèm với tác dụng phụ. Việc sử dụng tân dược quá nhiều trong thời gian dài cũng khiến người bệnh phụ thuộc vào thuốc mà không chắc đã khỏi bệnh.
Một trong những cách phổ biến để chống táo bón là thay đổi khẩu phần ăn. Người bệnh có thể ăn nhiều thức ăn tốt cho nhuận trường như: rau đay, mồng tơi, rau sam, càng cua, giá đỗ, khoai lang.
Người mắc táo bón cần uống nước nhiều, ăn thêm nhiều rau củ để bổ sung chất xơ giúp kích thích nhu động ruột, có thể giúp giảm táo bón. Các loại thức ăn nên kiêng là rượu, trà, cafe, đồ chiên rán, nhiều đạm. Tuy nhiên, cách trị táo bón này thường phải thực hiện lâu dài, tác dụng đến rất chậm, đặc biệt với những người đã bị táo bón nhiều lần và nặng.
Cách điều trị táo bón nhanh và tức thì
OVATA là một thảo dược quý có nguồn gốc từ Ấn Độ, được sử dụng từ hơn 3.000 năm trên thế giới trong điều trị các bệnh về tiêu hóa. Hiện nay, OVATA được dùng phổ biến tại nhiều nước trên  thế giới như Mỹ, Anh, Úc, Canada, Bỉ…
Với 70% chất xơ hòa tan, 30% chất nhầy và không bị hấp thụ bởi cơ thể, OVATA gặp nước trong đường tiêu hóa sẽ nhanh chóng trương nở, giữ nước, tăng thể tích và làm mềm phân, tạo nhuận trường khối kích thích nhu động ruột, giúp phân trơn và đẩy chất thải ra nhanh chóng và dễ dàng hơn. Sau khoảng 2-3 ngày sử dụng, người sử dụng sẽ thấy việc đại tiện đơn giản hơn rất nhiều.

Hiểm họa táo bón với dân văn phòng
OVATA cũng giúp hạn chế cọ xát trong thành ruột, giảm đau rát và chảy máu do trĩ. Ngoài ra, OVATA còn có tác dụng hỗ trợ điều trị rối loạn tiêu hóa do uống bia, chứng viêm đại tràng,…
Cách sử dụng lại rất đơn giản và tiện lợi. Chỉ cần khuấy đều OVATA với sữa, nước cam hay bất cứ loại nước trái cây nào khiến mình cảm thấy ngon miệng, sau đó uống ngay.

Trong nhịp sống hối hả và bận rộn, đây được xem là giải pháp nhanh và đơn giản để dứt điểm táo bón.

Mùa hè: Đề phòng bệnh lỵ trực khuẩn

Bệnh lỵ trực khuẩn lây qua đường tiêu hóa, do vi khuẩn Shigella gây ra. Bệnh nhân bị tiêu chảy nhiều lần, phân có nhầy, máu. Hậu quả là bệnh nhân bị mất nước và muối, dẫn đến hôn mê và tử vong. Tính chất nguy hiểm của lỵ trực khuẩn là có thể lây thành dịch. Mùa hè ruồi nhặng phát triển nhiều nên nguy cơ lây nhiễm bệnh càng cao.
Lỵ trực khuẩn lây qua đường tiêu hóa
Người là nguồn lưu giữ mầm bệnh duy nhất, gồm các đối tượng: bệnh nhân đang mắc bệnh thể cấp, thể mạn tính; người lành mang vi khuẩn. Trong đó bệnh nhân mắc bệnh lỵ cấp tính là nguồn lây bệnh nguy hiểm nhất, vì họ thải một khối lượng lớn phân chứa vi khuẩn ra ngoài. Song chúng ta cũng thiếu cảnh giác với những bệnh nhân mắc bệnh nhẹ, nên không cách ly họ, không chẩn đoán và điều trị sớm, nên họ cũng là nguồn làm lây bệnh mà ít ai biết đến. Bệnh nhân mắc lỵ mạn tính, thường là trẻ em, cũng là nguồn gieo rắc mầm bệnh ở thời kỳ bộc phát.
Bệnh lỵ trực khuẩn lây trực tiếp hoặc gián tiếp qua đường tiêu hóa. Lây trực tiếp là lây từ bệnh nhân sang người lành, thông qua bàn tay nhiễm khuẩn. Lây gián tiếp là lây qua thức ăn, nước uống. Các loại côn trùng như ruồi, nhặng, gián, thạch sùng… làm lây bệnh từ bệnh phẩm sang thức ăn. Mọi người đều có thể lây bệnh, trong đó trẻ em và người già dễ mắc bệnh lỵ nặng, dễ tử vong.
Vi khuẩn Shigella gây bệnh lỵ trực khuẩn
Vi khuẩn Shigella gây bệnh lỵ trực khuẩn
Nhiều thể bệnh lỵ trực khuẩn
Một người bị nhiễm vi khuẩn lỵ, thì thời gian ủ bệnh từ 1 - 7 ngày, sẽ phát bệnh một cách đột ngột, với 2 hội chứng: nhiễm khuẩn và hội chứng lỵ. Hội chứng nhiễm khuẩn gồm các triệu chứng: sốt cao 38 - 39oC, rét run, nhức đầu, mệt mỏi, đau lưng, đau khớp, ở trẻ em có thể có cơn co giật, chán ăn, khát nước, đắng miệng, buồn nôn hoặc nôn. Hội chứng lỵ. gồm các triệu chứng: đau bụng, ban đầu đau âm ỉ quanh rốn, sau đau lan ra khắp bụng, cuối cùng là những cơn đau quặn bụng ở hố chậu trái. Các cơn đau quặn bụng làm bệnh nhân mót rặn muốn đi đại tiện ngay. Mới đầu phân sệt, sau loãng, rất thối, lẫn với nhầy và máu. Hoặc phân nhầy nhiều, thường đục nhờ nhờ, có khi phân vàng đục như mủ, máu sẫm như máu cá, nhầy và máu hòa loãng với nhau không có độ bám dính. Hội chứng lỵ có thể diễn ra từ 5 - 10 ngày hoặc hơn.
Trên thực tế người ta phân chia bệnh lỵ thành các thể bệnh như sau:
Thể nhẹ : bệnh nhân có hội chứng nhiễm khuẩn nhẹ hoặc không rõ, thân nhiệt 37,5 - 38oC, hơi mệt, có hội chứng lỵ : đau quặn bụng, đi ngoài dưới 10 lần/ngày, bệnh nhân phục hồi trong vòng 1 tuần.
Thể vừa: bệnh nhân có hội chứng nhiễm khuẩn và hội chứng lỵ điển hình. Sốt 38 - 40oC kéo dài từ 1 - 4 ngày, đau đầu, mệt mỏi, mạch nhanh, huyết áp hạ. Đi tiêu chảy từ 15 - 20 lần/ngày, kèm theo dấu hiệu mất nước, với biểu hiện khát nước, môi khô. Điều trị tốt, bệnh nhân sẽ phục hồi sau 7 - 14 ngày.
Thể nặng: hội chứng nhiễm khuẩn rõ rệt, kéo dài hơn 1 tuần. Hội chứng lỵ: đau quặn bụng dữ dội, mót rặn kèm mót đái không kìm được, đi tiêu chảy trên 30 lần/ngày, có khi không đếm được. Bệnh nhân bị mất nước, rối loạn điện giải, kiệt sức, nằm đại tiện tại chỗ, hậu môn mở rộng, phân tự chảy, mắt trũng, mặt hốc hác, mạch nhanh yếu, tiếng tim mờ, huyết áp hạ, thở gấp, li bì, ngủ gà, có thể tử vong sau 3 - 7 ngày. Nếu điều trị thì sự phục hồi chậm và dễ biến chứng.
Ở trẻ dưới 1 tuổi, ngoài những thể cấp như trên, còn gặp thể rất nhẹ, kín đáo, như rối loạn tiêu hóa: phân loãng, không sốt. Thể bệnh lỵ mạn tính: bệnh có những thời kỳ bột phát và thuyên giảm xen kẽ.
Thể dạ dày ruột cấp: bệnh nhân có hội chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn, nôn nhiều lần, phân loãng, không có nhầy máu, đau bụng lan tỏa, sau đó bệnh có thể diễn biến như thể lỵ điển hình.
Thể tối độc: bệnh nhân đi ngoài nhiều, phân có nhầy mủ, có khi toàn máu, có thể tử vong trong vài ngày đầu do hôn mê, trụy tim mạch.
Ở người cao tuổi, có thể bệnh lỵ kéo dài không còn giai đoạn thuyên giảm, bệnh càng ngày càng nặng, toàn thân suy sụp dần, rối loạn tiêu hóa nặng, thiếu vitamin, thiếu máu.
Phương pháp điều trị
Điều trị bệnh lỵ trực khuẩn cần phải cách ly bệnh nhân, dụng cụ đều phải dùng riêng. Bù nước và điện giải là biện pháp hàng đầu trong điều trị lỵ trực khuẩn. Thể vừa, bù dịch và điện giải bằng cách uống dung dịch oresol. Thể nặng cần truyền dịch. Trợ lực dùng vitamin B1, C. Chống đau bụng bằng cách chườm nóng, ngâm mông trong nước ấm để chống đau rát hậu môn. Thuốc có thể dùng gồm: kháng sinh như loại cephalosporin thế hệ 3 (Ceftriaxon), Quinolone thế hệ 1 (Acid nalidixic) hoặc ciprofloxacine, ofloxacine rất hiệu quả. Về chế độ ăn: bệnh nhân chỉ hạn chế trong một vài ngày đầu, sau đó cần trở lại chế độ ăn bình thường từ ngày thứ ba, thứ tư trở đi. Bệnh nhi là trẻ còn bú, vẫn cho bú như thường lệ. Nếu trẻ đang bú sữa bình vẫn cho bú bình thường, không hạn chế số lần uống, số lượng sữa. Đối với trẻ lớn và người lớn, trong vài ngày đầu ăn cháo ninh nhừ, nấu với thịt. Sang ngày thứ ba, thứ tư nên ăn cháo đặc với thịt, trứng, khoai tây nghiền, sữa chua, sau đó ăn cơm nát, thịt nạc luộc, uống nước hoa quả. Nên tránh thức ăn nhiều bã, thảo mộc khô.

Không ăn rau sống để phòng tránh bệnh lỵ trực khuẩn và các bệnh lây qua đường tiêu hóa
Không ăn rau sống để phòng tránh bệnh lỵ trực khuẩn và các bệnh lây qua đường tiêu hóa

Phòng bệnh
Biện pháp quan trọng nhất là phát hiện sớm, cách ly điều trị bệnh nhân lỵ cấp. Bảo vệ người lành: cần theo dõi 7 ngày đối với người tiếp xúc với bệnh nhân. Thực hiện ăn chín uống sôi. Không ăn rau sống, không uống nước lã. Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn uống, sau khi đi vệ sinh và tiếp xúc với các đồ vật.

Rử tay sạch trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và tiếp xúc với đồ vật để phòng bệnh lỵ trực khuẩn
Rử tay sạch trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và tiếp xúc với đồ vật để phòng bệnh lỵ trực khuẩn

Xử lý các chất thải của bệnh nhân bằng vôi sống 20%, nước vôi 10%. Đồ dùng, quần áo bệnh nhân phải được sát trùng hoặc ngâm Cloramin 2%. Dùng lồng bàn đậy kín thức ăn. Tích cực diệt ruồi, nhặng, gián...

Dùng lồng bàn đậy thức ăn, tránh ruồi nhặng làm lây bệnh
Dùng lồng bàn đậy thức ăn, tránh ruồi nhặng làm lây bệnh


ThS. Trần Minh Tuyên

Thực đơn cho người bệnh tiêu chảy cấp

Tiêu chảy cấp là bệnh thường gặp, khởi phát đột ngột, đi ngoài nhiều lần trong ngày, phân lỏng có khi ra như chảy, đôi khi phân có máu. Bệnh nhân có thể kèm theo đau bụng, nôn mửa, sốt. Hậu quả của tiêu chảy cấp là mất nước và điện giải có thể gây tử vong. Do đó, dinh dưỡng cho bệnh nhân tiêu chảy cấp có vai trò quan trọng góp phần rút ngắn quá trình điều trị.
Các loại thực phẩm nên dùng: gạo, bột gạo, khoai tây, cà rốt; thịt gà, thịt lợn nạc, dầu thực vật; sữa đậu nành, sữa ít lactose hoặc không có latose; chuối, hồng xiêm, ổi chín, táo tây...
Các loại thực phẩm không nên dùng: các loại nước giải khát công nghiệp có ga và nhiều đường; các loại thực phẩm có nhiều xơ, ít chất dinh dưỡng như: tinh bột nguyên hạt (đỗ ngô) và các loại rau có nhiều chất xơ; các loại thức ăn có nhiều đường (bánh kẹo...); các thức ăn chế biến sẵn (giò, chả, xúc xích, thịt hun khói, patê).
Thực đơn cho người bệnh tiêu chảy cấp
Người tiêu chảy cấp nên ăn hồng xiêm chín.
Nguyên tắc xây dựng thực đơn
Bù nước và điện giải: nước oresol (ORS), nước khoáng, nước gạo rang, nước cơm, nước rau quả.
Nâng dần khối lượng thức ăn để đảm bảo cung cấp đủ nước và điện giải, năng lượng, protein (đạm), vitamin. Từ ăn lỏng chuyển sang ăn đặc, chủ yếu là bột ngũ cốc, bột khoai, khoai lang nghiền; thịt nạc, nước rau, nước quả, sữa chua.
Không dùng các thức ăn dễ gây lên men, sinh hơi trong ruột và khó hấp thu như trứng, sữa, thịt mỡ và chất béo, rau có nhiều chất xơ.
Xây dựng thực đơn trong tiêu chảy cấp (gồm 3 giai đoạn)
Giai đoạn đầu: 24-48 giờ (chủ yếu là bù dịch).
Bệnh nhân tiêu chảy nhiều, mất nước và điện giải nhiều, cần cho uống ORS và phối hợp truyền dịch mặn, ngọt. Ngoài ra còn cần có một chế độ ăn đủ nước và điện giải để chống lại sự mất nước, mất muối, đồng thời mang lại một số tối thiểu calo. Năng lượng khoảng 800kcalo, protein khoảng 15g.
Mẫu thực đơn:
ORS uống theo nhu cầu, càng đi nhiều càng phải uống nhiều.
6 giờ 30: cháo đường 300ml (gạo 30g, đường 20g, muối 5g); táo tây nghiền hoặc ổi chín nghiền 100g.
9 giờ 30: súp cà rốt 400ml (cà rốt 200g, đường 20g, muối 5g); sữa chua đậu tương 150ml (đậu tương 15g, đường 10g).
12 giờ: cháo đường 400ml, táo nghiền hoặc ổi nghiền 100g.
15 giờ: súp cà rốt 400ml.
19 giờ: cháo đường 300ml, sữa chua đỗ tương 200ml.
Hiệu quả dinh dưỡng của thực đơn: năng lượng = 1.072 kcalo. Trong đó: đạm: 16,65g; chất béo: 2,5g; bột đường: 238,8g.
Giai đoạn 2: bệnh nhân đã đỡ tiêu chảy.
Tổng năng lượng đưa vào: 1.200kcalo trở lên. Trong đó: đạm (protein): 30g (khoảng 0,6g/kg/ngày); bột đường 250g trở lên; chất béo: 10g; muối nêm vừa miệng; nước uống theo nhu cầu, thêm nước quả.
Mẫu thực đơn:
6 giờ 30: sữa chua đỗ tương 200ml (đỗ tương 20g, đường 5g), bánh quy 50g.
10 giờ: cháo thịt 400ml (gạo 60g, thịt 30g), sữa chua đỗ tương 200ml.
14 giờ: súp rau nghiền (gạo 30g; khoai 100g, cà rốt 100g, thịt 30g).
18 giờ: cháo thịt 400ml (gạo 60g, thịt 30g), táo tây nghiền hoặc chuối chín 100g.
Hiệu quả dinh dưỡng của thực đơn: năng lượng = 1.265kcalo. Đạm: 37,8g; chất béo: 13,2g; bột đường: 223,62g.
Giai đoạn 3 (giai đoạn phục hồi). Ăn theo chế độ ăn bình thường có tăng đạm, calo, vitamin.
Mẫu thực đơn:
6 giờ 30: cháo đường (gạo 50g, đường 30g), bánh quy 50g.
10 giờ: cơm 100g, thịt hấp 40g, canh rau cải (rau cải 50g).
14 giờ: khoai nghiền trứng 300ml (khoai 200g, trứng gà 50g).
18 giờ: phở thịt (bánh phở 200g, thịt nạc 50g), sữa chua đỗ tương 200ml (đỗ tương 20g, đường 20g).
Hiệu quả dinh dưỡng của thực đơn: Năng lượng = 1504,6kcalo. Trong đó: đạm: 52,27g calo từ đạm 13,5%; chất béo 11,04g calo từ chất béo 6,5%; bột đường 278,23g.

BS. Phạm Thị Hằng

Dịch vị trào ngược thực quản: Phòng thế nào?

Trào ngược dạ dày - thực quản là một bệnh lý thường gặp, ngày càng có xu hướng tăng trong cộng đồng và có tính chất mạn tính. Trong nhiều trường hợp, bệnh gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống và chi phí điều trị lớn, thời gian điều trị kéo dài.
Điều gì khiến trào ngược dịch vị vào thực quản?
Thức ăn và dịch vị khi trào ngược từ dạ dày vào thực quản là một hiện tượng sinh lý bình thường, gặp ở nhiều người và không gây tổn thương cũng như không có biểu hiện triệu chứng (DD-TQ). Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản xảy ra khi bệnh nhân có các triệu chứng và tổn thương thực thể tại thực quản và một số nơi khác như hầu họng, thanh quản, đường hô hấp trên... do acid dịch vị gây ra.
Dịch vị trào ngược thực quản: Phòng thế nào?
Hình ảnh bệnh lý trào ngược dạ dày - thực quản.
Hiện tượng trào ngược dịch vị vào thực quản có nguyên nhân do giảm áp lực cơ thắt thực quản dưới (chỗ tiếp giáp với dạ dày), hoặc do giãn thoáng qua của cơ thắt này dẫn đến việc dịch vị trào ngược lên phía trên. Rối loạn co bóp hay sự mất đồng bộ của hoạt động DD-TQ, thoát vị khe, giảm hoặc mất nhu động thực quản trong một số bệnh như xơ cứng bì, ung thư thực quản... cũng làm cho hiện tượng trào ngược xảy ra. Ngoài ra, còn có một số yếu tố như béo phì, tăng canxi máu, sử dụng các thuốc như prednisolon kéo dài, người đang được nuôi dưỡng qua ống thông dạ dày... cũng có thể làm tăng nguy cơ của trào ngược dạ dày thực quản. Người bị trào ngược ban đêm (khi nằm mới bị) cũng nặng hơn người bị ban ngày do khi ngủ, nước bọt không được tiết ra và bệnh nhân không nuốt nên acid dịch vị tiếp xúc lâu hơn với niêm mạc thực quản do vậy gây tổn thương nhanh và nhiều hơn.
Biểu hiện thế nào?
Khi dịch vị trào ngược lên phía trên sẽ gây các triệu chứng như ợ nóng, là cảm giác nóng bỏng vùng thượng vị và sau xương ức, lan dọc lên phía trên, xuất hiện nhiều sau khi ăn hoặc khi bệnh nhân nằm và ợ chua, là cảm giác chua khi dịch vị trào lên miệng sau khi bệnh nhân ợ ra, nuốt khó hoặc nuốt đau (khi có loét hoặc chít hẹp thực quản). Bệnh nhân cũng có thể có các biểu hiện của bệnh viêm loét dạ dày như đau vùng thượng vị, bụng trướng, ăn uống khó tiêu, táo bón hoặc tiêu chảy. Trong nhiều trường hợp, bệnh trào ngược DD-TQ lại có triệu chứng ở ngoài thực quản như ho khan kéo dài, khàn tiếng, đau họng hoặc nuốt vướng hay cảm giác dị cảm họng, rối loạn giấc ngủ. Bên cạnh đó, hiện tượng trào ngược cũng là yếu tố khởi phát cơn hen phế quản, đợt cấp viêm phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) hoặc gây viêm phổi do dịch vị ở những bệnh nhân bị rối loạn nuốt (người già, người bị tai biến mạch máu não) với những biểu hiện như đau ngực, sốt, ho và khó thở... Việc xác định xem bệnh nhân có bị GERD hay không chủ yếu dựa vào các biểu hiện lâm sàng như đã mô tả ở trên và có thể tiến hành nội soi họng - thanh quản hoặc nội soi thực quản - dạ dày để tìm kiếm tổn thương.
Bệnh có thể gây ra một số hậu quả nghiêm trọng như loét, chít hẹp, ung thư hóa thực quản hoặc là nguyên nhân khởi phát cơn hen phế quản, đợt cấp COPD...
Điều trị ra sao?
Điều trị trào ngược DD-TQ chủ yếu là dùng các thuốc như thuốc kháng acid như gastropulgite, maalox... có chứa magne và aluminum. Các thuốc này có tác dụng tăng pH của dạ dày lên nhanh, vì vậy làm giảm nhanh triệu chứng nhưng thời gian tác dụng ngắn (chỉ 1 - 2 giờ) và có thể gây tiêu chảy với thuốc có chứa magne và táo bón với thuốc có chứa aluminum. Thuốc giảm tiết dịch vị loại ức chế H2 cũng có tác dụng nhanh nhưng ít hiệu quả đối với viêm thực quản nặng do trào ngược và tỷ lệ tái phát cao. Hiện nay, thuốc giảm tiết dịch vị tốt nhất đang được khuyến cáo sử dụng là các chất ức chế bơm proton (PPIs) như omeprazole, pantoprazole... và đặc biệt hiệu quả là esomeprazole. Các thuốc này giảm tiết dịch vị tốt, ít tác dụng phụ và hiệu quả điều trị cao. Phẫu thuật cũng được chỉ định trong một số trường hợp như điều trị bằng thuốc không kết quả; đã có biến chứng tại thực quản như viêm thực quản độ III, độ IV, thực quản Barrett’s; chảy máu hoặc loét, chít hẹp thực quản; thoát vị khe...
Lời khuyên thầy thuốc
Để phòng bệnh, cần thay đổi lối sống, tránh căng thẳng và áp lực trong công việc; tránh thức ăn nhiều mỡ hoặc các chất sinh hơi gây trướng bụng khó tiêu (như đồ uống có gas); bỏ rượu, thuốc lá; giảm cân và tăng cường vận động; nằm đầu cao. Tuy nhiên các biện pháp này chỉ có tác dụng với những bệnh nhân bị GERD ở giai đoạn bệnh còn nhẹ. 
TS. BS. Vũ Đức Định

Tần suất mắc bệnh trào ngược dạ dày - thực quản trên thế giới vào khoảng 5 - 25% trong đó tỷ lệ mắc cao nhất ở các nước như Mỹ, Anh, Bỉ, Tây Ban Nha và tỷ lệ này thấp hơn ở các nước châu Á mặc dù lượng bệnh nhân GERD ở các nước này vẫn đang có xu hướng 

Sau mưa lũ, phòng bệnh tiêu chảy cấp

Song hành với các bệnh đường hô hấp, da, đau mắt đỏ, tiêu chảy cấp do rotavirut là một trong những bệnh phổ biến và lây lan nhanh sau mưa lũ do môi trường, nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Bệnh gây tiêu chảy và nôn mửa nhiều lần, mất nước, dễ dẫn đến trụy mạch và tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Do đó người dân cần phải chú ý thực hiện các biện pháp phòng bệnh, nhất là đối với trẻ nhỏ, đối tượng dễ mắc và dễ diễn biến nặng hơn người lớn.
Trẻ nhỏ dễ mắc tiêu chảy cấp do rotavirut
Rotavirut là loại virut đường ruột phổ biến nhất, thường gây tiêu chảy nặng ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 5 tuổi. Các tác nhân gây tiêu chảy thường truyền bằng đường phân - miệng thông qua thức ăn hoặc nước uống ô nhiễm, hoặc tiếp xúc trực tiếp với phân đã nhiễm khuẩn gây bệnh. Trẻ càng nhỏ tuổi, nguy cơ nhiễm rotavirut càng cao và mắc bệnh càng nặng. Nguyên nhân là do trẻ nhỏ sức đề kháng yếu (nhất là vào thời điểm giao mùa, thời tiết lạnh, vệ sinh cá nhân và ăn uống kém).
Sau mưa lũ, phòng bệnh tiêu chảy cấp 1
 Uống vắc - xin phòng ngừa rotavirut là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu.
Ảnh: TL
Rotavirut thường được thải ra ngoài theo phân của người bệnh và tồn tại rất lâu ngoài môi trường, virut có thể bám dính ở bàn tay, trên sàn nhà, các đồ vật, vật dụng trong gia đình, đồ chơi của trẻ… Khi trẻ nhiễm rotavirut sẽ đào thải ra ngoài một lượng siêu vi rất lớn, nhưng chỉ cần một lượng rất nhỏ, khoảng 10 con siêu vi là có thể lây nhiễm và gây bệnh cho trẻ khác. Trẻ thường bị nhiễm virut do ăn uống không đảm bảo vệ sinh, vệ sinh cá nhân kém; do thức ăn bị nhiễm bẩn trong quá trình chế biến, bàn tay người làm bếp bị nhiễm virut do sờ chạm vào các bề mặt, các đồ vật (bàn ghế, đồ chơi, sàn nhà…) bị nhiễm virut trước đó; đồ ăn thức uống không được bảo quản, đậy kỹ trong chạn, lồng bàn để chuột, ruồi, muỗi, kiến, gián,… bò vào là nguồn lây nhiễm virut gây bệnh,…
Biểu hiện khi nhiễm rotavirut
Sau khi bị lây nhiễm virut khoảng 12 giờ đến 4 ngày, trẻ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng nôn và tiêu chảy: Nôn xuất hiện trước tiêu chảy 6 - 12 giờ và có thể kéo dài khoảng 2 - 3 ngày. Trẻ có thể nôn nhiều lần vào ngày đầu và giảm bớt khi bắt đầu đi tiêu chảy. Trẻ thường đi tiêu phân lỏng toàn nước, có lúc màu xanh dưa cải, có thể có đờm, nhớt nhưng không có máu. Tiêu chảy ngày càng tăng trong vài ngày (thậm chí có thể lên đến 20 lần/ngày), sau đó giảm dần. Ngoài ra trẻ có thể xuất hiện các triệu chứng khác như: sốt vừa phải, đau bụng, ho, sổ mũi.
Cần điều trị kịp thời
Đặc trưng của bệnh tiêu chảy cấp do rotavirut là trẻ bị tiêu chảy và nôn mửa nhiều lần, trẻ dễ bị mất nước, dễ dẫn đến trụy mạch và tử vong nếu không được bù nước kịp thời. Đây cũng là biến chứng nguy hiểm của bệnh và cũng là nguyên nhân phổ biến nhất khiến trẻ phải nhập viện cao hơn và tình trạng nặng hơn so với các trường hợp tiêu chảy do nguyên nhân khác. Do đó khi trẻ bắt đầu có biểu hiện nôn hoặc tiêu chảy cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để bác sĩ khám và có hướng dẫn điều trị kịp thời.
Đối với trẻ bị bệnh nhẹ, sau khi đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế, có thể để trẻ ở nhà và chăm sóc theo hướng dẫn của thầy thuốc. Việc điều trị bệnh chủ yếu là đề phòng biến chứng mất nước do tiêu chảy. Cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường. Có thể dùng nước đun sôi để nguội, nước canh rau, nước khoáng (không có gas), nước dừa tươi và oresol theo hướng dẫn. Ở trẻ còn bú, tiếp tục cho trẻ bú như bình thường. Cần chú ý theo dõi các biểu hiện trẻ bị mất nước để đưa trẻ đến cơ sở y tế can thiệp kịp thời như: Khát nước, môi khô, lưỡi khô, da khô, tiểu ít, kích thích, quấy khóc,…
Sau mưa lũ, phòng bệnh tiêu chảy cấp 2
 Virut rota gây bệnh tiêu chảy cấp.
Các biện pháp phòng bệnh
Để phòng ngừa và ngăn chặn bệnh tiêu chảy cấp do rotavirut lây lan, cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
Vệ sinh môi trường, nguồn nước: Sau mưa lũ phải thu dọn rác thải, bùn đất, thu gom xác động vật đi tiêu hủy, vệ sinh nhà cửa và khu vực xung quanh nhà, lau rửa bể nước, chum vại đựng nước, rửa sạch nồi xoong, bát đĩa và phơi khô. Nguồn nước sinh hoạt phải được sát khuẩn bằng hóa chất cloramin B theo hướng dẫn của cán bộ y tế địa phương.
Vệ sinh cá nhân: Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Nên tập cho trẻ có thói quen rửa tay trước khi cầm nắm thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Không để trẻ bò lê la trên sàn nhà hoặc ngậm tay, ngậm đồ chơi. Mỗi gia đình nên xây dựng một nhà tiêu hợp vệ sinh, không đi tiêu bừa bãi. Phân và chất thải của người bệnh phải đổ vào nhà tiêu, rắc vôi bột, cloramin B… sau mỗi lần đi để sát khuẩn.
Vệ sinh ăn uống: Mọi người trong gia đình đều phải thực hiện ăn chín, uống sôi. Không ăn rau sống, không uống nước lã. Không ăn các thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn, thức ăn bị ôi thiu hoặc không được bảo quản, che đậy cẩn thận. Rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.
Đối với trẻ trong độ tuổi bú mẹ cần cho trẻ bú sữa mẹ vừa đảm bảo dinh dưỡng, vệ sinh vừa tăng cường sức đề kháng, bảo vệ cho trẻ khỏi mắc các bệnh nhiễm khuẩn, đặc biệt là bệnh tiêu chảy. Khi trẻ ăn dặm cần cho trẻ ăn thức ăn đủ dinh dưỡng, khi chế biến thức ăn phải chú ý thực hiện các nguyên tắc đảm bảo vệ sinh để phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ.
Uống vắc - xin phòng bệnh: Vì tiêu chảy cấp do rotavirut là bệnh phổ biến và thường nặng ở trẻ nhỏ, các biện pháp thông thường vệ sinh cá nhân, môi trường chỉ có thể làm giảm nguy cơ mắc và lây lan bệnh. Uống vắc - xin là biện pháp phòng ngừa hữu hiệu nhất. Hiện nay, vắc - xin phòng bệnh tiêu chảy do rotavirut đã được triển khai tại các bệnh viện sản, nhi và các trung tâm y tế dự phòng quận, huyện. Cha mẹ nên cho trẻ uống vắc - xin phòng bệnh càng sớm càng tốt từ 6 tuần tuổi và nên hoàn tất việc uống vắc - xin cho trẻ trong vòng 6 tháng tuổi.

Bác sĩ Thanh Bình

Đầy hơi và cách khắc phục

Đầy hơi là một triệu chứng, nhìn chung không đe dọa tính mạng, nhưng khiến chúng ta cảm thấy khó chịu và có thể gây đau, đôi khi làm phiền toái trong xã giao.
Đầy hơi là trình trạng khí ở trong đường ruột tích tụ nhiều. Hầu hết mọi người đều thải khí ra, số lần trung tiện trung bình khoảng 14 lần mỗi ngày và lên tới 20 - 23 cũng được coi là bình thường, hơn thế được xem là quá nhiều.  Khi trung tiện có thể phát loại khí không mùi: nitơ, hydro, carbon dioxide, methane và oxy. Nhưng khi trung tiện có mùi là do các chất khí như skatole, indole và các hợp chất chứa lưu huỳnh.

Nguyên nhân gây đầy hơi
Dư thừa khí trong đường tiêu hóa (thực quản, dạ dày, ruột non và đại tràng) có thể đến từ hai nguồn: do tăng lượng khí, do từ nuốt không khí hoặc tăng sản xuất khí tại đường ruột.
Nuốt không khí (aerophagia): điều này có thể xảy ra khi nuốt không đúng cách trong khi ăn uống.
Các hoạt động làm bạn dễ nuốt không khí như: ăn uống nhanh, nhai kẹo cao su, hút thuốc lá, ngậm kẹo cứng, uống đồ uống có ga, răng giả lỏng lẻo và tăng thông khí.
Hầu hết mọi người ợ hơi khi lượng khí dư thừa. Phần khí còn lại di chuyển vào ruột non rồi xuống ruột già phát ra thành trung tiện.
Người ta có thể phân tích các chất khí có thể giúp xác định xem nó có nguồn gốc từ nuốt khí (chủ yếu là nitơ, cũng oxy và carbon dioxide) hoặc sản xuất tại đường tiêu hóa (chủ yếu là carbon monoxide, hydrogen, và methane).
Các thực phẩm sinh khí nhiều:
- Tinh bột: như lúa mạch, bắp, mì, lúa mì có thể sinh ra nhiều khí qua quá trình được tiêu hóa và hấp thụ trong ruột già. Đậu: chứa một lượng lớn các đường phức tạp được gọi là raffinose, cũng có thể gây đầy hơi không mong muốn. Gạo là tinh bột duy nhất mà ít gây ra khí.
- Rau củ quả: một số loại rau như hành tây, cần tây, cải bắp, măng tây, cà rốt,bông cải xanh và cây họ đậu có chứa carbohydrate có thể tạo ra khí nhiều hơn.
- Đường: phổ biến là fructose (có trong trái cây sấy khô, mật ong, hành tây, atisô; nhiều loại thực phẩm và đồ uống có chứa xi-rô fructose với hàm lượng cao) và sorbitol (một chất thay thế đường có trong một số bánh kẹo không đường và kẹo cao su, có thể phát sinh đầy hơi.
- Đồ uống có ga, nước trái cây, bia và rượu vang đỏ.
- Đồ chiên và các loại thực phẩm béo nhiều có thể khiến quá trình tiêu hóa diễn ra chậm làm sinh ra khí nhiều.
Thiếu lactase: một nguyên nhân chính của đầy hơi là thiếu men lactase, làm giảm khả năng tiêu hóa lactose, một loại đường tự nhiên được tìm thấy trong sữa và các sản phẩm từ sữa như pho mát, kem và trong một số thực phẩm chế biến sẵn đi kèm với ngũ cốc, bánh mì. Chứng đầy hơi này thường đi kèm với tiêu chảy và vọp bẻ, nhưng cũng có thể xuất hiện đơn thuần là tạo ra khí mà thôi.
Các vấn đề khác:
- Hội chứng kém hấp thu: liên quan  đến thiếu các enzyme do tuyến tụy, mật hoặc niêm mạc của ruột.
Nếu vận chuyển qua đại tràng chậm lại vì bất cứ lý do gì, các vi khuẩn đã tăng cơ hội để lên men nguyên liệu còn lại. Nếu một người bị táo bón hoặc giảm chức năng của ruột vì bất cứ lý do gì, đầy hơi có thể đi kèm theo.
- Sự thay đổi trong thói quen đi tiêu có thể do:
Thiếu chất xơ.
Bệnh lý ký sinh trùng,bệnh viêm ruột, tắc nghẽn đường ruột (bao gồm cả ung thư), túi thừa, viêm túi thừa.
Suy chức năng tuyến giáp.
Sử dụng ma túy hay một số thuốc khác.
Tự khắc phục chứng đầy hơi
Bạn nên đến bác sĩ khi đầy hơi mà kèm theo: tiêu chảy, táo bón, máu trong phân, sốt, buồn nôn, ói mửa, đau bụng. Ngoài ra, bạn có thể tự khắc phục chứng đầy hơi.
Những cách phổ biến nhất để làm giảm sự khó chịu của chứng đầy hơi thường liên quan đến thay đổi chế độ ăn uống, và đôi khi do thói quen gây ra nuốt không khí.
Bắt đầu bằng cách cố gắng để loại bỏ các loại thực phẩm có vấn đề từ chế độ ăn uống của bạn. Lưu ý rằng thực phẩm này có thể gây khó tiêu đầy hơi cho người này nhưng người khác thì không sao.
Tránh ợ hơi: ngoài việc tránh các thức ăn gây đầy hơi, bạn nên để ý hành vi gây ra nuốt không khí, chẳng hạn như nhai kẹo cao su hoặc ăn kẹo cứng. Nên ăn chậm. Hãy chắc chắn rằng răng giả phù hợp.
Tránh ăn quá nhiều vì điều này góp phần đầy hơi cũng như bệnh béo phì.
Bạn chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày thay vì ba bữa ăn. Bữa ăn nhỏ hơn sẽ làm tiêu hóa  dễ dàng hơn và có thể sinh ít khí. Ngoài ra uống trà bạc hà, trà gừng có thể giúp cải thiện các triệu chứng đầy hơi.
Hạn chế các thực phẩm giàu chất béo và đồ chiên để giảm đầy hơi và khó chịu.
Nếu mùi là một mối vấn đề mà bạn quan tâm: bạn nên dùng loại quần có chứa than hoạt tính, hoặc tấm lót bằng than được đặt bên trong quần áo, được thiết kế để giúp hấp thụ các khí được phát hành trong thời gian đầy hơi. Điều này có thể giúp cải thiện khí có mùi hôi.
Tập thể dục có thể giúp cải thiện các chức năng của hệ tiêu hóa và đường ruột của bạn, cải thiện táo bón, sẽ cải thiện được trình trạng đầy hơi.
Bạn cũng nên bỏ hút thuốc nếu bạn hút thuốc. Hút thuốc có thể làm bạn nuốt nhiều không khí hơn bình thường và khói thuốc lá có thể kích thích hệ thống tiêu hóa của bạn.
Trong một số tình huống đôi khi cũng phải dùng thuốc, một số thuốc thường được sử dụng như:
- Các enzyme lactase, hỗ trợ tiêu hóa lactose, có bán dưới dạng chất lỏng và dạng viên (Lactaid, Lactrase...). Thêm một vài giọt của lactase  vào sữa trước khi uống, hoặc nhai viên lactase ngay trước khi ăn giúp tiêu hóa thực phẩm có chứa lactose. Ngoài ra, giảm sữa và các sản phẩm khác có đường lactose.
- Alpha galactosidase được bổ sung chế độ ăn uống đã được chứng minh cải thiện tiêu hóa của carbohydrates có trong các loại đậu và một số rau trái, làm giảm các triệu chứng đầy hơi, như sản phẩm có tên là “Beano”, sản phẩm này chưa phổ biến ở Việt Nam.
 - Viên than: than hoạt tính hấp thụ khí trong hệ thống tiêu hóa, giúp giảm các triệu chứng đầy hơi.
- Thuốc có chứa simethicone: một chất chống tạo bọt dùng để điều trị đầy hơi, nó làm giảm tối thiểu sự hình thành khí và giảm các bọt khí, cải thiện chứng đầy hơi, khó tiêu.
- Bạn có thể dùng subsalicylate bismuth để giảm khí có mùi khó chịu do lưu huỳnh.
- Men vi sinh: cũng có thể hữu ích trong việc điều trị đầy hơi. Các vi khuẩn thân thiện sẽ giúp hỗ trợ tiêu hóa và giảm các triệu chứng đầy hơi, đặc biệt là ở những người có hội chứng ruột kích thích (IBS).
Nếu như với các biện pháp trên mà cũng không cải thiện triệu chứng, bạn nên khám bác sĩ để tìm rõ nguyên nhân và khắc phục.
 BS. NGÔ HỮU LỘC