Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2015

Tiêu chảy nhiễm trùng dùng thuốc gì?

Điển hình của tiêu chảy nhiễm trùng là nôn ói, đau bụng, sốt bên cạnh triệu chứng tiêu chảy. Phân toàn nước, không tiêu hóa hết và có thể trong phân có máu tùy vào vi trùng gây bệnh.
Trong trường hợp bệnh nhân ăn phải độc tố hoặc vi trùng sinh độc tố thì ít khi có sốt, thường nôn ói nhiều kèm với tiêu chảy. Đau bụng trong tiêu chảy nhiễm trùng thường là đau quặn bụng, đau ở khắp bụng không khu trú ở vị trí nào. Tiêu chảy nhiễm trùng là loại bệnh tiêu chảy hay gặp nhất và xảy ra khắp nơi nhất là những nơi có điều kiện vệ sinh ăn uống kém. 
Các triệu chứng nêu trên thường xảy ra vài giờ sau khi ăn thực phẩm bị nhiễm khuẩn. Chẩn đoán bệnh tiêu chảy không khó nhưng xác định nguyên nhân thì khó. Trong tiêu chảy nhiễm trùng, điều quan trọng là phải xác định xem do vi trùng nào để có thể điều trị hiệu quả và phòng ngừa lây lan. 
Bệnh nhân được làm các xét nghiệm để xác định vi khuẩn gây ra. Người ta xét nghiệm tìm hồng cầu và bạch cầu trong phân gợi ý cho nhiễm Salmonella, Shigella, E.coli, Yersinia, amip. Tuy nhiên, việc cấy phân để tìm vi khuẩn gây bệnh là cơ bản nhất.
Trong điều trị tiêu chảy nhiễm trùng thì việc dùng kháng sinh không phải là quan trọng nhất. Quan trọng bậc nhất là điều trị tình trạng mất nước và điện giải, phần lớn tử vong trong bệnh này là do mất nước. Bù dịch cho bệnh nhân tùy tình trạng có thể là đường uống hoặc truyền tĩnh mạch (đặc biệt ở người già yếu hoặc trẻ nhỏ). Trong trường hợp tiêu chảy nhẹ thì không cần thiết dùng kháng sinh, nhưng đối với một số vi trùng thì phải cho kháng sinh đặc hiệu.
Việc dùng các thuốc cầm tiêu chảy nhóm thuốc phiện hoặc kháng cholin trong tiêu chảy nhiễm trùng không được khuyến khích. Cầm tiêu chảy có thể gây lưu giữ vi khuẩn và làm cho nó phát triển.


"Thủ phạm" gây lồng ruột ở trẻ em

BS Trần Thu Thủy, BV Nhi Trung ương cho biết, lồng ruột là một bệnh lý nghiêm trọng trong đó một khúc ruột di chuyển và chui vào lòng của khúc ruột khác.

Khối lồng thường ngăn cản thức ăn và dịch di chuyển xuống phía dưới. Thành ruột ép vào nhau gây phù nề, viêm và giảm nguồn cung cấp máu tới phần ruột bị ảnh hưởng. Kết quả là ruột có thể bị nhiễm trùng, hoại tử và thủng.
80% trường hợp lồng ruột xuất hiện ở trẻ dưới 2 tuổi, nhiều nhất là độ tuổi 5-10 tháng, bệnh hiếm gặp ở trẻ lớn. Lồng ruột thường xảy ra ở bé trai nhiều hơn ở bé gái, với tỷ lệ 2:1. 
Ảnh minh họa
 
Nguyên nhân lồng ruột ở trẻ em
Theo BS Trần Thu Thủy, ở trẻ em, nguyên nhân gây lồng ruột còn chưa rõ ràng. Bệnh lý này thường xuất hiện nhiều hơn vào các mùa có dịch virus, vì vậy có ý kiến cho rằng lồng ruột liên quan tới các loại virus gây bệnh ở trẻ, trong đó có virus gây nhiễm khuẩn hô hấp như adenovirus.
Trong một số trường hợp, lồng ruột có thể xuất hiện sau một đợt viêm dạ dày đại tràng cấp tính. Vi khuẩn hay virus gây nhiễm trùng đường tiêu hóa có thể làm phù nề các hạch bạch huyết ở ruột, gia tăng nhu động ruột, tạo điều kiện thuận lợi cho lồng ruột.
Ở trẻ dưới 3 tháng hay trên 5 tuổi, lồng ruột thường liên quan nhiều tới các tổn thương thực thể như hạch bạch huyết sưng to, các khối u lành tính hoặc ác tính, dị dạng ruột (ruột đôi, túi thừa Meckel...).
Triệu chứng
Lồng ruột cấp ở trẻ bú mẹ
- Bé đang chơi đùa đột ngột lên cơn khóc thét, co đầu gối về phía ngực. Khi cơn đau dịu đi, bé thôi khóc và có vẻ ổn hơn. Cơn đau thường ngắt quãng nhưng sẽ lại xuất hiện, lần sau mạnh hơn lần trước, kéo dài hơn và khoảng cách giữa các cơn đau ngày càng thu hẹp.  
- Bé mệt mỏi, nôn và bỏ bú.  
Sau 6 - 8 giờ kể từ cơn đau đầu tiên, có thể xuất hiện đại tiện ra máu tươi và chất nhầy.  
- Thấy có khối u cục bất thường ở bụng.   

Khi bệnh tiến triển, bé từ từ yếu đi và có thể xuất hiện sốt, một số trẻ có thể rơi vào tình trạng sốc, một số có biểu hiện thờ thẫn, li bì.  
Lồng ruột bán cấp ở trẻ lớn (2-3 tuổi)
Biểu hiện bệnh ít rầm rộ hơn, cơn đau lâm râm dễ nhầm lẫn với viêm ruột thừa hoặc viêm hạch mạc treo. Biến chứng tắc ruột và hoại tử ruột ít khi xảy ra do búi lồng thường lỏng lẻo.  
                
Chẩn đoán 
Chẩn đoán lồng ruột chủ yếu dựa trên thăm khám lâm sàng và siêu âm ổ bụng:
- Khi khám ổ bụng, bác sĩ có thể sờ thấy búi lồng hình quả chuối di động và đau. Thăm trực tràng thấy máu dính găng tay.
- Siêu âm mặt cắt dọc thấy khối lồng có hình bánh mì sandwich (vùng giảm âm bao quanh vùng tăng âm) và mặt cắt ngang thấy hình bánh donut hay hình bia đạn (vùng ngoài giảm âm bao quanh vùng trung tâm tăng âm).
Biểu hiện nặng ở bệnh lồng ruột
- Lồng ruột không được phát hiện và xử lý sẽ tiến triển nặng dần lên.  
- Do ruột và mạc treo không cố định nên khối lồng tiếp tục tiến sâu dọc theo đại tràng.  
- Sự thắt nghẹt của mạc treo ở vùng cổ lồng gây thiếu máu đoạn ruột tương ứng: ứ trệ tĩnh mạch gây xuất huyết niêm mạc, dẫn tới đại tiện ra máu; tắc nghẽn động mạch dẫn tới hoại tử và thủng ruột, viêm phúc mạc nhiễm độc với tỷ lệ tử vong cao. 
Điều trị lồng ruột ở trẻ em

Khi kết luận trẻ bị lồng ruột, bác sĩ sẽ tiến hành tháo lồng bằng phương pháp không phẫu thuật. Ở Việt Nam, phổ biến nhất là tháo lồng bằng hơi, tức là bơm hơi vào đại tràng qua hậu môn để đẩy khối lồng ra. Tỷ lệ thành công là hơn 90% nếu bệnh nhân đến sớm, chưa có biểu hiện rắc ruột hay hoại tử ruột.
- Nếu bơm hơi không thành công hoặc nguyên nhân lồng ruột là tổn thương thực thể thì cần phẫu thuật. Bác sĩ sẽ giải phóng phần ruột bị mắc kẹt, cắt bỏ poplyp hay khối u gây tắc nghẽn và nếu cần thì cắt bỏ phần mô hoại tử.



Uống nhiều rượu bia dễ bị khối u ruột già

Thêm một tác hại của rượu bia vừa được nhóm nghiên cứu hỗn hợp của Trung Quốc và Mỹ công bố trên tạp chí chuyên ngành ”Alimentary Pharmacology & Therapeutics”

Các tác giả đã phân tích dữ liệu từ 25 nghiên cứu lớn nhỏ trên toàn thế giới và nhận thấy người uống rượu bia có tỷ lệ mắc bệnh khối u ruột già cao hơn những người không uống rượu đến 17%, nguy cơ mắc bệnh khối u ruột già sẽ tăng dần theo lượng rượu bia tiêu thụ. 
Cụ thể: nếu uống trung bình 10g rượu/ngày (tương đương một lon bia) thì nguy cơ cao gấp 1,02 lần, nếu tăng lên trung bình 50g rượu/ngày (khoảng bốn lon bia) thì nguy cơ tăng cao gấp 1,16 lần, còn nếu uống đến mức 100g rượu/ngày (khoảng tám lon bia) thì nguy cao tăng cao gấp 1,61 lần.
Khối u lành tính ở ruột già có thể nhỏ như hạt đậu xanh hoặc to đến 5-6cm. Bệnh thường không triệu chứng hoặc có thể bị đau bụng, tiêu lỏng, tiêu nhiều lần, hoặc tiêu lẫn máu. Khi phát hiện bệnh, khối u cần được cắt bỏ qua nội soi để hạn chế nguy cơ chuyển sang ác tính sau này. 
Mặc dù sự xuất hiện của khối u lành tính ở ruột già có liên quan yếu tố di truyền nhưng chúng ta vẫn có thể phòng bệnh bằng cách hạn chế ăn thịt màu đỏ, chất béo, hút thuốc lá, tăng cường ăn nhiều rau xanh và canxi.


Những thực phẩm không nên ăn khi bị lòi dom

Khi bị lòi dom, cần có chế độ ăn uống hợp lý để giúp bệnh mau thuyên giảm.Các thức ăn nóng, nướng xào cay khô như hành, tỏi, gừng là các thức ăn kích thích bốc nhiệt lên, không tốt cho bệnh nhân bị lòi dom.
Những thực phẩm không nên ăn khi bị lòi dom.Những thực phẩm không nên ăn khi bị lòi dom.
Đặc biệt nên kiêng bia, rượu, hạn chế tối đa thuốc lá, trà, cafe.
Các món ăn nên bổ sung trong quá trình chữa và điều trị bệnh lòi dom
Nên ăn nhiều thức ăn dễ tiêu mà giàu dinh dưỡng, nhiều protein như thịt gà, thịt trâu, bò, trứng cá...
Nên ăn nhiều rau xanh, các loại đậu như rau cải, cà chua, cà rốt đậu tương, đậu phụ...
Nên ăn nhiều hoa quả như táo, lê, quýt, chuối tiêu...
Thực đơn cho người bệnh trĩ
Bên cạnh việc áp dụng chế độ ăn uống, kiêng kị hợp lý, bạn cũng có thể áp dụng một vài bài thuốc sau vào thực đơn ăn uống của bạn hàng ngày.
Chuối tiêu ngày 2-3 quả, ăn sớm khi đói bụng. Dùng chữa lòi dom kèm đi ngoài táo, phân khô kết.
Sữa trâu, bò 500ml, thêm 2 thìa mật ong, dùng cho người đi ngoài bí kết, nước bọt ít.
Mộc nhĩ đen 100g, hồng táo 15g, đường cát trắng một ít, nấu canh ăn. Dùng cho người khí huyết đều hư, đầu váng hoa mắt, mất sức mệt mỏi.
Gạo tẻ 100g, ý dĩ nhân 30g, hồng táo 15g, nấu nhừ ăn, dùng cho người lòi dom kèm huyết hư như thiếu máu, váng đầu hoa mắt mất sức...
Trứng gà 2 quả, hà thủ ô 60g, thêm nước cùng nấu. Trứng chín bỏ vỏ, lại nấu thêm chút nữa, ăn trứng uống canh. Dùng chữa thiếu máu, mặt mắt, tứ chi phù.
Đường mật 30g, ô mai 30g, ô mai sắc nước bỏ bã để nguội thêm đường mật hòa tan dùng uống, dùng cho người miệng khô, tân dịch giảm.
Cá diếc tươi 1 con (khoảng 100-150g), cát căn 30g. Cá diếc bỏ vảy và nội tạng, rửa sạch, thêm nước vừa đủ, cho cát căn nấu 1-2 giờ, thêm gia vị cùng ăn. Dùng cho người thiếu máu, đầu váng mắt tối, khí huyết đều hư.


Khi nào cần nội soi dạ dày?

Nội soi dạ dày là giải pháp hữu hiệu để kiểm tra xác định bệnh nhân đã tiệt trừ được vi khuẩn Helicobacter Pylori hay chưa và các bệnh ở đường tiêu hóa trên.


Tuy nhiên, khi nào cần làm thủ thuật và chuẩn bị để có kết quả tốt thì đa số bệnh nhân chưa biết.
Thủ thuật nội soi dạ dày được chỉ định khá rộng rãi để chẩn đoán bệnh lý đường tiêu hóa trên, theo dõi tiến triển một số bệnh đã biết và đánh giá, phân loại bệnh hệ thống. Việc chẩn đoán các bệnh của ống tiêu hóa bằng nội soi có độ chính xác cao hơn so với phương pháp chụp X quang hay siêu âm. 
Ngoài việc chẩn đoán bệnh, nội soi dạ dày còn được chỉ định để lấy các dị vật ống tiêu hóa, điều trị xuất huyết tiêu hóa, xét nghiệm vi trùng HP, giúp lấy các mẫu mô sinh thiết từ tổn thương hoặc niêm mạc dạ dày gửi xét nghiệm khi nghi ngờ ung thư .
Cần chuẩn bị gì trước khi nội soi dạ dày?
Để đảm bảo nội soi được an toàn và có kết quả tốt, bệnh nhân cần phải nhịn ăn uống trước nội soi tối thiểu 6 giờ để tránh sặc thức ăn và bảo đảm cho việc quan sát, đánh giá tổn thương trong quá trình nội soi (nên nội soi dạ dày vào buổi sáng, sau 1 đêm không ăn uống). 
Khi bị hẹp môn vị, BN cần phải nhịn ăn lâu hơn (12-24 giờ) hoặc phải đặt ống thông để bơm rửa dạ dày. Không uống nước có màu, sữa, thuốc cản quang… vào buổi sáng ngày soi. Ngoài ra, bệnh nhân cần cho bác sĩ nội soi biết các loại thuốc đã dùng gần đây, tiền sử dị ứng thuốc và các bệnh kèm theo nhằm đảm bảo tính an toàn của thủ thuật nội soi.
Sau khi thực hiện nội soi, nên hạn chế dùng thức ăn cay nóng vì có thể tổn thương niêm mạc miệng mà bạn không nhận biết được do ảnh hưởng của thuốc tê. Không nên khạc nhổ mà chỉ cần ngậm và súc miệng với ít nước muối pha loãng là đủ. Vài triệu chứng có thể gặp sau nội soi như: đau họng, bụng chướng hơi, buồn nôn, bí tiểu... nhưng nó sẽ mất trong vòng 24 giờ.

Lợi điểm và nguy cơ
Nhìn chung, nội soi dạ dày là một thủ thuật khá an toàn. Bệnh nhân thường về nhà ngay sau soi. Biến chứng nặng có thể gặp là thủng ống tiêu hóa, shock phản vệ nhưng rất hiếm gặp.
Trường hợp nào không nên thực hiện nội soi dạ dày?
Nội soi dạ dày không có chống chỉ định tuyệt đối. Vài trường hợp, bác sĩ có thể hoãn soi khi nghi ngờ thủng dạ dày, bỏng do uống acid, suy tim, thiếu máu cơ tim cấp, suy hô hấp hoặc mới ăn no.
Bệnh nhân cần nội soi đường tiêu hóa trên khi có các triệu chứng sau đây:
- Khó nuốt hay nuốt đau, nuốt nghẹn, nuốt vướng
- Đau sau xương ức, cảm giác trào ngược, thường xuyên nhợn ói khi đánh răng
- Đau thượng vị, nóng rát thượng vị. Nôn ra máu
- Ợ chua, ợ hơi, ợ nóng, chậm tiêu, buồn nôn và nôn, đầy hơi, thiếu máu, thiếu sắt
- Ho, viêm họng kéo dài, cảm giác vướng đàm
- Tăng áp tĩnh mạch cửa / bệnh lý gan mật
- Sụt cân nhanh không rõ nguyên nhân
- Theo dõi định kỳ khi có "Thực quản Barrett"
- Ăn uống chung với người đã bị nhiễm HP và có một trong những triệu chứng trên

Vì sao cần làm sạch ruột già?

Làm sạch ruột già giúp cải thiện sức khỏe tổng thể, thậm chí có thể làm giảm nguy cơ ung thư ruột kết, theoMyhealthtip. Dưới đây là những lợi ích chính của việc làm sạch ruột già.



Với sự giúp đỡ của ruột già, việc giảm cân trở nên thuận lợi hơn - Ảnh: Shutterstock
Hoàn thiện hệ thống tiêu hóa: Khi đại tràng được làm sạch, nó đẩy các chất thải không tiêu hóa được ra ngoài, giúp cải thiện hệ tiêu hóa.
Ngăn ngừa táo bón: Táo bón khiến các chất thải lưu lại lâu hơn trong cơ thể. Khi ruột già được làm sạch, quá trình tiêu hóa diễn ra nhanh hơn, từ đó góp phần ngăn ngừa chứng táo bón.
Tăng năng lượng: Khi độc tố thoát hết ra ngoài, cơ thể sẽ cảm thấy nhẹ nhàng. Năng lượng bắt đầu tập trung lại để tống khứ các chất thải ra khỏi ruột cũng như các bộ phận khác trong cơ thể. 
Tăng cường sự hấp thu các vitamin và chất dinh dưỡng: Khi đại tràng được làm sạch, nó cho phép các chất dinh dưỡng hấp thụ vào máu hiệu quả hơn.
Cải thiện sự tập trung: Lượng vitamin và các chất dinh dưỡng khác được hấp thụ hiệu quả thông qua chế độ ăn uống lành mạnh. Cơ thể được bổ sung đầy đủ những dưỡng chất quan trọng góp phần làm tăng khả năng tập trung.  
Giảm cân: Với sự giúp đỡ của ruột già, việc giảm cân trở nên thuận lợi hơn. Theo các chuyên gia, khi ruột già được làm sạch, người ta có thể mất tối đa 20 kg trong một tháng.
Giảm nguy cơ ung thư ruột kết: Hầu hết các độc tố chúng ta ăn, hít thở hoặc uống được hấp thụ và xử lý bởi hệ thống tiêu hóa bao gồm cả gan. Chúng cần được đào thải ra khỏi đại tràng và gan càng nhanh càng tốt, và đây chính là yếu tố góp phần làm giảm nguy cơ ung thư ruột kết.
Tăng khả năng sinh sản: Khi chất xơ được hấp thụ thông qua chế độ ăn những thực phẩm lành mạnh, ruột già được làm sạch thường xuyên hơn. Điều này giúp tống khứ những độc tố và hóa chất gây hại có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh trùng và trứng ra.
Cải thiện cảm giác hạnh phúc: Khi đại tràng loại bỏ các độc tố và chất thải ra ngoài, sức khỏe được cải thiện, từ đó cảm giác nhẹ nhàng và thoải mái tràn ngập cơ thể. 
Đẹp da: Làm sạch ruột già là yếu tố quan trọng góp phần cải thiện sức khỏe tổng thể và mang lại sự tươi tắn cho da. Khi các tạp chất được loại bỏ khỏi cơ thể, làn da trông sẽ khỏe mạnh hơn. Nếu đại tràng bị trục trặc, bạn có thể sẽ gặp các vấn đề liên quan đến tiêu hóa cùng nhiều bệnh khác.


5 sai lầm ngớ ngẩn khi điều trị bệnh trĩ

Khi có dấu hiệu táo bón, chảy máu hoặc sa lồi ở hậu môn - là những dấu hiện của bệnh trĩ, phần lớn người dân lại không chịu đi khám vì tâm lý e ngại.

1. Giấu bệnh
Khi có dấu hiệu táo bón, chảy máu hoặc sa lồi ở hậu môn, phần lớn người dân không chịu đi khám vì tâm lý e ngại "bệnh khó nói". Chỉ đến khi bệnh đã nặng, bệnh nhân cảm thấy đau rát và chảy máu nhiều mới bắt đầu tìm thầy tìm thuốc. Không ít người còn chọn cách tự chữa bệnh bằng các bài thuốc truyền miệng chưa có căn cứ khoa học.
Các bác sĩ cho rằng, điều trị trĩ bằng Đông y (uống thuốc, bôi thuốc…) chỉ có khả năng điều trị bệnh trĩ khi còn ở thể nhẹ và giúp bệnh trĩ tránh tái phát sau phẫu thuật. Cho đến nay phẫu thuật vẫn là phương pháp triệt để nhất để chữa bệnh trĩ đã đến giai đoạn nặng hoặc đã biến chứng. Do đó, bạn hãy là người bệnh nhân thông thái đi khám chuyên khoa hậu môn trực tràng hoặc tiêu hoá khi có các dấu hiệu ban đầu kể trên để được điều trị thích hợp.
2. Trĩ là ung thư đại trực tràng, u hậu môn
Để phân biệt bệnh trĩ với ung thư đại trực tràng, người bệnh nên đi soi đại trực tràng tại các cơ sở chuyên khoa để có chỉ định điều trị cụ thể. Nếu là bệnh trĩ thì bạn sẽ điều trị theo đơn thuốc của thầy thuốc chuyên khoa ngoại trú tại nhà, không nên tự mình dùng thuốc hoặc nghe người khác mách bảo dùng thuốc trĩ mà họ đã dùng.
5 sai lầm ngớ ngẩn khi điều trị bệnh trĩ
Tương tự như thế để phân biệt giữa u hậu môn và trĩ hậu môn bạn cũng cần được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám kỹ càng. Đây là 2 bệnh khác hẳn nhau. Trĩ hậu môn cả trĩ nội và trĩ ngoại đều do các mạch máu vùng hậu môn dãn rộng và sa ra ngoài khi đi đại tiện. Khi rặn, hoặc búi trĩ nằm thường xuyên ở ngoài nếu là trĩ ngoại hoặc trĩ nội nặng. 
Lúc này nó giống như một cái u. U hậu môn là một quá trình tăng sinh bất thường của các tổ chức vùng hậu môn, nguyên nhân chưa biết. Có 2 loại u: u lành (không nguy hiểm), và u ác (ung thư). Do đó, nhất thiết cần đi khám hậu môn khi thấy có 1 u , cục ở hậu môn.
3. Trẻ em không mắc trĩ
Nhiều phụ huynh nghĩ rằng, trẻ em thì không thể mắc trĩ, nhưng sự thật thì không phải vậy. Trĩ chỉ hiếm gặp ở trẻ nhỏ dưới 6 tuối, ở đối tượng này phần lớn là do giãn tĩnh mạch hậu môn hoặc rách hậu môn, viêm nhiễm khuẩn hậu môn. Khi trẻ nhỏ có bệnh trĩ thì rất khó chữa, bởi những thuốc chữa trĩ rất khó uống; không thường xuyên liên tục nên cần kiên trì.
5 sai lầm ngớ ngẩn khi điều trị bệnh trĩ
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, cha mẹ không nên “đợi tuổi” con lớn để chữa tri. Không có tuổi nào chữa là tốt nhất cả, khi đã bị trĩ thì phải điều trị. Khi điều trị gặp đúng thầy đúng thuốc thì kết quả tốt nhất.
Bên cạnh đó, dùng chất xơ kéo dài với liều lượng cho phép không ảnh hưởng gì đến sức khỏe, chị nên dùng những thức ăn nhuận tràng như rau lang, diếp cá, đủ đủ, chuối, rau đay, mồng tơi và uống nhiều nước…
Khi thấy trẻ đi ngoài chảy máu hoặc cháu kêu đau nên đến các trung tâm tiêu hóa hoặc chuyên khoa hậu môn trực tràng để được nội soi, khám và chẩn đoán chính xác.
4. Chữa trị bằng bài thuốc truyền miệng
Bệnh nhân trĩ thường truyền miệng nhau phương pháp chữa trị bằng lá thầu dầu tươi, cao hạt dẻ ngựa. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, đây là một trong những kinh nghiệm dân gian, có người làm như vậy có tác dụng nhưng không phải ai làm như vậy cũng có tác dụng.
Hiện nay khoa học phát triển, có rất nhiều phương pháp điều trị kể cả nội khoa và ngoại khoa rất rẻ tiền mà khỏi được bệnh. Bởi vậy người bệnh không nên làm những phương pháp truyền miệng chưa có tài liệu, đề tài nào chứng minh. Thậm chí có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là ở những người già hoặc có các bệnh gan, tim, phổi, thận mãn tính.
5 sai lầm ngớ ngẩn khi điều trị bệnh trĩ
5. Bệnh trĩ không thể chữa dứt điểm
Cho đến nay, tuy phẫu thuật không thể chữa dứt điểm tất cả các loại trĩ nhưng với đa số bệnh nhân mắc bệnh, có thể chữa dứt điểm bằng phương pháp phẫu thuật. Sau mổ trĩ, người bệnh cần kết hợp ăn đủ dinh dưỡng, tăng chất xơ, giảm chất kích thích. Cần vệ sinh hậu môn đúng cách, ngâm hậu môn nước ấm.
Hiện có rất nhiều phương pháp phẫu thuật bệnh nhân trĩ, đặc biệt là phương pháp khâu treo triệt mạch dưới siêu âm doppler không xâm lấn nên không đau; hoặc phương pháp longgo và nhiều phương pháp hiện đại khác như điều trị sóng cao tần đem lại kết quả tốt.
Phương pháp nào cũng có hạn chế, không có phương pháp nào tuyệt đối. Tùy từng phương pháp mà có tỉ lệ tái phát khác nhau, việc tái phát bệnh là do từng bệnh nhân sau khi phẫu thuật xong có kiêng khem hoặc thực hiện theo hướng dẫn của thầy thuốc hay không.


Đau trên rốn, coi chừng bệnh dạ dày

Qua nôi soi có thể xác định bệnh dạ dày có phải do vi khuẩn HP gây ra hay không bằng cách xác định men urêaza do vi khuẩn HP sinh ra.

ng H., 65 tuổi, ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa, nói: ông bị đau vùng trên rốn đã mấy năm nay, uống nhiều thuốc Nam nhưng không khỏi. Ông rất lo lắng không biết đó là triệu chứng của bệnh gì.
Vùng trên rốn thường gặp phải bệnh gì?
Vùng ổ bụng được tạm phân chia thành vùng trên rốn (thượng vị), vùng dưới rốn (hạ vị), hố chậu phải và hố chậu trái. Tương ứng với từng vùng có các cơ quan ở phía trong ổ bụng. Trên rốn có gan, mật (đường dẫn mật và túi mật), dạ dày - hành tá tràng, tụy, lách, phía trên hệ tiết niệu (thận, phía trên niệu quản), bao quanh các cơ quan trên rốn cón có màng bụng. Vùng dưới rốn có ruột (ruột non, ruột già, trực tràng, phần dưới niệu quản, bàng quang, phần phụ (nữ giới)...
Đau vùng trên rốn còn gọi là đau thượng vị. Đau vùng trên rốn gặp ở mọi lứa tuổi, ngay cả trẻ em nhưng người trưởng thành, đặc biệt là người có tuổi thường gặp phải chứng đau vùng trên rốn gây không ít phiền muộn cho người bệnh, thậm chí đôi lúc xảy ra nguy hiểm (thủng dạ dày, thủng túi mật, thấm mật phúc mạc, ứ nước, ứ ủ thận...). Có rất nhiều bệnh biểu hiện đau trên rốn, với tuổi còn nhỏ rất dễ xảy ra con đau bụng do giun.

Đau bụng giun thông thường là đau quanh rốn nhưng không loại trừ đau trên rốn do giun gây ra. Trong trường hợp giun chui ống mật thì cơn đau bụng rất dữ đội, quằn quại. Cơn đau trên rốn do giun chui ống mật nhiều trường hợp lăn lộn phải nằm gập người lại (chổng mông) mới đỡ đau. 
Đây là một dấu hiệu khá điển hình trong bệnh giun chui ống mật. Đau vùng trên rốn còn có thể do bệnh của gan mật, nhất là bệnh túi mật. Gan bị viêm, áp-xe do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng biểu hiện là đau tức vùng trên rốn lệch sang phải, dưới hạ sườn phải. Bệnh của túi mật thì có nhiều loại (viêm đường dẫn mật, sỏi, u ác tính và đều gây đau bụng vùng trên rốn kèm theo nhiều triệu chứng khác (sốt, vàng da...) và thường xảy ra sau bữa ăn nhiều đạm, mỡ. 
Đau bụng quằn quại sau khi vận động hay sau khi đi xe bị xóc nhiều có thể là cơn đau của sỏi thận, niệu quản (lệch sang phải hay lệch sang trái hoặc cả 2 bên, nếu bị sỏi thận, niệu quản cả 2 bên). Đau thượng vị lệch sang trái có thể là lách sưng trong một số bệnh (sốt rét, hoặc do chấn thương).
Ở nước ta, đau vùng trên rốn do bệnh của dạ dày - tá tràng gặp khá phổ biến. Nguyên nhân của viêm, loét dạ dày - tá tràng có thể do dùng một số thuốc (corticoid, không steroid, aspirin, thuốc tanganin, betaserc...), hoặc do uống quá nhiều rượu, bia hoặc do vi khuẩn Helicobacter pylori (viết tắt HP). 
Viêm, loét dạ dày hành tá tràng do vi khuẩn HP chiếm tỉ lệ rất cao (khoảng trên 90%). Bệnh thường đau bụng vùng trên rốn, kem theo có thể ợ hơi, ợ chua, và rối loạn tiêu hóa (ăn không tiêu, hay ậm ạch, phân có khi rắn, sền sệt, lỏng..). 
Bệnh thường xuất hiện ban đêm gây đau đớn, mất ngủ triền miên làm cho sức khỏe giảm sút trông thấy (da xanh, người gầy, buồn chán) hoặc mỗi khi thay đổi thời tiết (lạnh, nóng, ẩm ướt, gió mùa, áp thấp nhiệt đới) thì cơn đau thượng vị xuất hiện hoặc tái phát. Khi mới bị viêm dạ dày - tá tràng thì ăn vào đau, khi đã bị loét thì no, đói đều đau. 
Viêm, loét dạ dày - hành tá tràng có thể đưa đến một số biến chứng như: sa dạ dày, hẹp môn vị, hành tá tràng biến dạng do loét, thậm chí thủng dạ dày. Hẹp môn vị là một biến chứng của viêm loét dạ dày - tá tràng làm cho môn vị sưng nề, hẹp lại do đó thức ăn khó đi qua, đọng lại ở dạ dày gây nên triệu chứng bụng luôn ầm ạch, khó chịu, nếu nôn ra được thì thấy thoải mái.
Đau trên rốn, coi chừng bệnh dạ dày
Ở nước ta, đau vùng trên rốn do bệnh của dạ dày - tá tràng gặp khá phổ
biến
Thủng dạ dày không chỉ gặp ở người trưởng thành, người cao tuổi mà có thể gặp ngay cả trẻ nhỏ, thậm chí là trẻ sơ sinh. Thủng dạ dày là một cấp cứu ngoại khoa, nếu không phát hiện sớm, cấp cứu kịp thời sẽ gây viêm phúc mạc, sốc và tử vong. 
Thủng dạ dày ở trẻ sơ sinh cho đến nay chiếm tỉ lệ rất thấp và cũng chưa biết nguyên nhân một cách chắc chắn, tỉ lệ tử vong rất cao vì nhiều lý do khác nhau (còn quá bé, khó chẩn đoán cho nên bỏ sót, phải là bác sĩ chuyên khoa ngoại, bác sĩ chuyên khoa sơ sinh mới có thể phát hiện và xử trí được).
Làm thế nào để xác định bệnh đau vùng trên rốn?
Để chẩn đoán đau vùng trên rốn có thể siêu âm ổ bụng để biết tình trạng về gan, mật, hệ tiết niệu (thận, niệu quản), tụy, lách. Khi nghi ngờ bệnh của dạ dày có thể chụp dạ dày có thuốc cản quang và chụp lúc đói. Hiện nay, nội soi dạ dày đang có xu hướng phát triển và rất tốt cho việc chẩn đoán bệnh dạ dày. 
Qua nôi soi có thể xác định bệnh dạ dày có phải do vi khuẩn HP gây ra hay không bằng cách xác định men urêaza do vi khuẩn HP sinh ra, nhuộm Gram từ mảnh sinh thiết để tìm vi khuẩn HP hoặc xác định vi khuẩn HP bằng kỹ thuật sinh học phân tử.
Trường hợp bác H., vì bác chưa được khám và xác định là bệnh gì qua việc bác bị đau trên rốn. Bác được ông lang bốc thuốc chữa bệnh cho bác không rõ bệnh gì cho nên bệnh của bác không khỏi là điều dễ hiểu. 
Qua bác kể, nhiều khả năng bác bị bệnh dạ dày, bởi vì bác gái cũng đã từng mắc bệnh dạ dày do vi khuẩn HP, đã được BV Bạch Mai khám, nội soi và xác định vi khuẩn HP, nay bác gái đã khỏi bệnh hoàn toàn. 
Vì vậy, bác nên đến bệnh viện có đủ điều kiện để khám và xác định bệnh. Trên cơ sở đó, bác sĩ sẽ có hướng điều trị và tư vấn phòng bệnh để các thành viên khác trong gia đình bác không mắc bệnh dạ dày. 
Bởi vì, bệnh dạ dày do vi khuẩn HP gây ra có khả năng lây theo đường ăn uống, nếu vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh các dụng cụ dùng trong ăn uống hàng ngày không đảm bảo vệ sinh thì vi khuẩn HP rất dễ lây lan.