Thứ Bảy, 16 tháng 8, 2014

Dấu hiệu nhận biết gan nhiễm mỡ cấp tính thai kỳ


Trong thai kỳ gan nhiễm mỡ cấp tính thai kỳ là một biến chứng nghiêm trọng trong giai đoạn mang thai thường xảy ra trong 3 tháng cuối.




Sự xâm nhập của các acid béo gây ra suy gan cấp tính, dẫn đến hầu hết các triệu chứng xuất hiện trong tình trạng này.
Bệnh xảy ra như thế nào?
Cho đến ngày nay, người ta chưa nắm rõ được cơ chế bệnh sinh cũng như nguyên nhân gây ra bệnh  gan nhiễm mỡ cấp tính thai kỳ.
Theo một số các nghiên cứu thấy, bệnh là do sự rối loạn chức năng ty thể trong quá trình oxy hóa acid béo bởi thiếu men chuỗi dài 3-hydroxyacyl-CoA dehydrogenase (LCHAD), gây tích mỡ trong gan.


Bệnh thường gặp ở những người nghiện rượu. Ngoài ra, bệnh còn gặp ở các trường hợp: béo phì, đái tháo đường, hội chứng cushing, hội chứng Reye…
Các dấu hiện nhận biết
Bệnh thường biểu hiện trong ba tháng cuối của thai kỳ, nhưng có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong nửa cuối của thai kỳ, hoặc giai đoạn hậu sản. 
Các triệu chứng thông thường ở người mẹ là: nôn mửa, buồn nôn, chán ăn và đau bụng. Vàng da và sốt có thể xảy ra ở 70% số bệnh nhân.
Ở những bệnh nhân nặng, có thể kèm theo tiền sản giật, trong đó bao gồm tăng huyết áp và phù. Điều này có thể dẫn đến các biến chứng như suy thận cấp, bệnh não gan, và viêm tụy. 
Xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy, trong  gan nhiễm mỡ cấp tính thai kỳ men gan tăng cao: AST và ALT từ 300 - 500 UI trở lên có khi tăng > 1.000 UI; bilirubin không thay đổi; alkaline phosphatase thường tăng cao trong thai kỳ do sản xuất từ nhau thai. 
Các xét nghiệm khác như huyết đồ: bạch cầu tăng, chức năng đông máu giảm, fibrinogen giảm, albumin giảm, xét nghiệm bilan mỡ trong máu: triglycerides tăng, cholesterol tăng gấp đôi. 
Siêu âm bụng có thể cho thấy lắng đọng mỡ trong gan, với mạch máu nhỏ li ti bị nhiễm mỡ. Ngoài ra có thể có biến chứng đông máu nội mạc lan tỏa.
Chẩn đoán
Được xác định dựa trên các dấu hiệu lâm sàng: như rối loạn tiêu hóa, vàng da và sốt. Các xét nghiệm có giá trị: bạch cầu tăng cao, men gan tăng rất cao, chỉ số bilan mỡ máu tăng. Có thể có biến chứng DIC… 
Sinh thiết gan có thể cung cấp một chẩn đoán xác định, nhưng không phải luôn luôn thực hiện, do sự gia tăng chảy máu trong gan nhiễm mỡ cấp tính của thai kỳ. 
Thường thử nghiệm sẽ được thực hiện để chẩn đoán phân biệt trong một số các bệnh lý: viêm gan virút, tiền sản giật, hội chứng HELLP (Hemolytic anemia Elevated Liver enzymes), vàng da tắc mật của thai kỳ và viêm gan tự miễn.
Điều trị
Tốt nhất điều trị tại một trung tâm chuyên về gan. Điều trị ban đầu hỗ trợ với dịch truyền tĩnh mạch, đường truyền tĩnh mạch và các sản phẩm máu, huyết tương tươi đông lạnh khi có DIC. 
Thai nhi cần được theo dõi với monitoring sản khoa. Sau khi người mẹ được ổn định, cần chấm dứt thai kỳ, tùy tình trạng người mẹ và sức khỏe thai nhi có thể gây khởi phát chuyển dạ sinh ngả âm đạo hay phải mổ lấy thai. 
Các biến chứng của gan nhiễm mỡ cấp tính của thai kỳ có thể yêu cầu điều trị sau khi sinh, đặc biệt là nếu viêm tụy xảy ra, có thể ghép gan khi cần thiết, để điều trị cho những trường hợp nặng, biến chứng như: mẹ có DIC nặng, bị vỡ gan, hoặc những người có bệnh não nghiêm trọng.
Gan nhiễm mỡ cấp tính thai kỳ là một bệnh lý hiếm gặp có tỷ lệ 1/7.000 - 1/11.000 phụ nữ mang thai có bệnh lý này. 
Đây là một bệnh lý nặng, biến chứng trầm trọng và khả năng tử vong cao, nếu ta không phát hiện và điều trị kịp thời. Bệnh lý này liên quan đến lần mang thai sau, đối với các bà mẹ mang thai lần đầu bị mắc phải có tỷ lệ 25%. 
Vì vậy, các bà mẹ cần tránh không uống rượu khi mang thai, điều trị tốt các bệnh lý nội khoa trước khi có thai, khi có thai cần phải khám thai định kỳ và thực hiện tốt theo sự hướng dẫn của bác sĩ sản khoa.
Theo BS CKII Nguyễn Hữu Thuận - Sức khỏe và Đời sống

Rotavirus: Thủ phạm chính gây tiêu chảy cấp ở trẻ


Thời tiết chuyển mùa như hiện nay là lúc trẻ dễ mắc bệnh nhất. Tiêu chảy cấp là bệnh dễ có nguy cơ thành dịch.


Gây nhiều hậu quả nặng nề
Ở nước ta, tác nhân gây tiêu chảy cấp (trong đó có tiêu chảy cấp phân nước) nhập viện thường gặp nhất là Rotavirus. Khảo sát tại BV Nhi Đồng 1 (TPHCM) cho thấy Rotavirus là nguyên nhân của 67,4% trẻ nhập viện vì tiêu chảy cấp phân nước.
Tiêm phòng cho trẻ là biện pháp rất hiệu quả để phòng ngừa tiêu chảy cấp do Rotavirus. Ảnh: Hồng Thúy
 
Trẻ nhỏ, nhất là từ 3 tháng đến 2 tuổi, là đối tượng rất dễ mắc tiêu chảy cấp do Rotavirus.
 
Bệnh này ngoài gây ra những hậu quả nặng nề về sức khỏe cho trẻ (như phải nhập viện điều trị, sụt cân, suy dinh dưỡng, thậm chí tử vong nếu không điều trị kịp thời) còn mang lại rất nhiều khó khăn cho gia đình. Do đó, làm thế nào phòng ngừa bệnh, để bé khỏe mạnh luôn là nỗi trăn trở của nhiều bậc phụ huynh.
Trẻ càng nhỏ, bệnh càng nặng
Hầu hết trẻ đều bị nhiễm Rotavirus ít nhất một lần trước 5 tuổi. Rotavirus tấn công nhanh vào hệ tiêu hóa còn non yếu gây cho trẻ tiêu chảy, nôn ói dẫn đến mất nước nhanh chóng và có thể tử vong nếu không được bù kịp thời.
Siêu virus này có thể tồn tại rất lâu trong môi trường và đề kháng với các chất tẩy rửa thông thường (cồn, nước javel…) nên khả năng lây nhiễm rất cao và đường lây truyền chủ yếu là qua đường phân, miệng và tay.
 
Chúng được thải ra ngoài theo phân của bệnh nhi và tồn tại nhiều ngày trên bề mặt các đồ vật xung quanh trẻ (bàn ghế, sàn nhà, đồ chơi, các vật dụng trong nhà…). Trẻ từ 3 - 24 tháng tuổi là đối tượng bị Rotavirus tấn công mạnh nhất vì có xu hướng hay ngậm tay nhưng lại chưa biết rửa tay. Trẻ càng nhỏ thì bệnh càng nặng. 
Trong trường hợp điển hình, khi bị nhiễm Rotavirus, trẻ nhỏ sẽ có các triệu chứng như sốt, quấy khóc, sau đó nôn ói nhiều và tiêu chảy với phân thường nhiều nước, có thể có đàm không có máu, có thể hơn 20 lần/ngày.
Bệnh nhi dễ mất nước
Vì trẻ vừa nôn ói vừa tiêu chảy nhiều nên sẽ dễ mất nước và phải nhập viện điều trị. Thời gian bệnh thường kéo dài từ 3 - 9 ngày nhưng để hồi phục hẳn thì có khi phải mất đến 3 tuần. Nếu không được điều trị bù nước kịp thời và thích hợp, trẻ sẽ mất nước nặng, toan máu thậm chí tử vong.
Kháng sinh không có tác dụng đối với bệnh này nên việc điều trị chủ yếu là đề phòng biến chứng mất nước, bù nước và dinh dưỡng thích hợp.
 
Tuy nhiên, do trẻ mắc bệnh vừa tiêu chảy vừa nôn ói nhiều nên bù dịch bằng đường uống thường khó khăn. Trong trường hợp này, trẻ phải nhập viện để truyền dịch bằng tĩnh mạch.
 
Nên chủng ngừa trước 6 tháng tuổi
 
Tiêu chảy do Rotavirus có tính lây nhiễm rất cao và không thể phòng ngừa được bằng các biện pháp thông thường như rửa tay đúng cách, cung cấp nước sạch hay cải thiện vệ sinh môi trường.
 
Tuy nhiên, đây là bệnh đã có văcxin để phòng ngừa. Vì thế, phụ huynh có con dưới 6 tháng tuổi nên gặp bác sĩ từ lần khám đầu tiên tại các bệnh viện sản, nhi hoặc các trung tâm y tế dự phòng quận, huyện để được tư vấn về uống văcxin chủng ngừa cho con.
 
Nên cho trẻ uống từ 6 tuần tuổi và hoàn tất phác đồ chủng ngừa này trước 6 tháng tuổi.
 
Theo BS Hoàng Lê Phúc (Trưởng Khoa Tiêu hóa BV Nhi Đồng 1-TPHCM)
Người lao động

9 dấu hiệu sức khỏe từ tín hiệu ợ nóng


Ung thư thực quản chỉ là một trong những bệnh bạn có thể đã mắc nếu liên tục bị ợ nóng còn gọi là bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD).




Đối với đa số người, ợ nóng chỉ là một vấn đề thường gặp. Nhưng nếu bạn bị ợ nóng thường xuyên hoặc kéo dài (hai lần mỗi tuần trong nhiều tuần), hãy đi khám. Dưới đây là chín lý do tại sao bạn không nên bỏ qua các dấu hiệu của GERD.
Viêm thực quản
BS Sheth Anish, phó giáo sư về bệnh tiêu hóa ở trường Y Yale, New Haven Conn cho biết: “Chỉ cần thực quản có tiếp xúc với axit trong vài tuần, bạn có thể mắc chứng viêm màng. Nó khiến cho bệnh nhân rất khó chịu, thậm chí đau đớn, có thể làm gia tăng nguy cơ thực quản bị bào mòn và để lại sẹo.”
Trào ngược dạ dày - thực quản. Ảnh: hongngochospital.com
Hẹp thực quản
Nếu viêm thực quản kéo dài quá lâu, mô sẹo có thể gây hẹp thực quản, làm cho bạn đau đớn hay khó khăn khi nuốt thức ăn.
Những miếng thức ăn lớn có thể mắc kẹt lại, phải nội soi để gắp ra. Bạn cũng có nguy cơ bị nghẹt thở và sút cân quá mức, nếu bạn không chịu ăn uống do bị hẹp thực quản.
Hẹp thực quản được điều trị bằng cách nong hoặc kéo dài thực quản. Có thể cần phải tiến hành nhiều lần, nhưng những loại thuốc ngăn chặn acid như thuốc ức chế proton pump (PPI) có thể ngăn bệnh tái phát lại.
Vấn đề về cổ họng và giọng nói
Triệu chứng chính của GERD là chứng ợ nóng, nhưng không phải tất cả mọi người đều bị. Họ có thể gặp những triệu chứng khác khó chẩn đoán hơn.
“Chúng tôi gọi đó là những ca ‘trào ngược ngấm ngầm’,” tiến sĩ Sheth cho biết “Bệnh nhân có thể không bị ợ nóng như bình thường, mà gặp nhiều vấn đề khác xảy ra bên ngoài thực quản, ví dụ như khản giọng, giọng thay đổi, đau họng, hoặc ho mãn tính. Họ có cảm giác như bị cái gì đó chặn ngang cổ họng, hoặc phải liên tục đằng hắng.”
Vấn đề về hô hấp
Nếu acid dạ dày bị hít vào sau khi trào ngược, GERD có thể làm bệnh hen suyễn hoặc viêm phổi trầm trọng thêm. Ngay cả khi bệnh nhân không bị vấn đề gì về phổi, GERD vẫn có thể gây khó thở và thở gấp.
Việc điều trị có thể là một con dao hai lưỡi. Theo một số nghiên cứu thì những thuốc trị GERD như PPI thực sự có thể làm tăng nguy cơ viêm phổi. (Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng chúng có thể thúc đẩy sự tăng trưởng của vi khuẩn, hoặc ngăn chặn ho – một hành động giúp làm sạch phổi.)
Hãy thảo luận với bác sĩ để được xem xét cả chức năng phổi khi điều trị trào ngược thực quản.
Sâu răng
Khi acid dạ dày và dịch tiêu hóa trào ngược trở lại lên thực quản vào trong miệng, nó có thể tạo ra vị chua, và nếu xảy ra thường xuyên có thể ăn mòn men răng và làm tăng nguy cơ sâu răng.
Những người có răng bị bào mòn do acid trào ngược thường không nhận thức được thiệt hại cho đến khi bị sâu răng nặng.
Trong một nghiên cứu của trường Đại học Alabama, 40% bệnh nhân GERD bị sâu răng nặng (con số đó là 70% ở những người bị trào ngược đến phía trên thực quản), so với chỉ 10% ở những người không bị trào ngược.
Loét thực quản
Acid dạ dày có thể bào mòn lớp niêm mạc thực quản, gây đau hoặc loét. (Loét thực quản khác với viêm loét dạ dày – thường là do vi khuẩn.) Những người bị loét thực quản có thể nhổ nước bọt hoặc nôn ra máu, hoặc nhìn thấy máu trong phân. “Máu có màu đỏ hay đen sậm, lợn cợn như hạt cà phê xay,” Tiến sĩ Sheth nói.
Phương pháp nội soi – dùng một đoạn ống dài linh hoạt đưa vào trong miệng để xem đường GI – có thể phát hiện vết loét thực quản và điều trị nó bằng các loại thuốc ngăn chặn hoặc làm giảm acid.
Chứng thực quản Barrett
Nếu không được điều trị trong nhiều năm, liên tục trào ngược axit có thể gây ra những thay đổi tiền ung thư trong tế bào, một hiện tượng có tên “thực quản Barrett”. Hiện tượng này không gây ra triệu chứng nào, nhưng bác sĩ có thể chẩn đoán bằng cách thực hiện nội soi.
Một tỉ lệ nhỏ những người bị chứng thực quản Barrett có khả năng phát triển thành ung thư thực quản, gây tử vong.
Ung thư thực quản
Trong năm 2010, có16.640 trường hợp được chẩn đoán ung thư thực quản ở Mỹ. Các nhân tố nguy cơ chính bao gồm hút thuốc lá, uống rượu, ăn uống kém dinh dưỡng, và bệnh trào ngược mãn tính.
Các triệu chứng bao gồm sụt cân, khó nuốt, hoặc xuất huyết tiêu hóa, Tiến sĩ Sheth cho biết. “Đó là một bệnh diễn ra sau nhiều thập kỷ bị tổn thương do trào ngược, do đó nếu người bệnh mới 30 tuổi và còn khỏe mạnh thì có lẽ chúng tôi sẽ không xét đến khả năng bị ung thư,” Tiến sĩ Sheth nói. “Nhưng nếu bạn trên 50 tuổi và đã bị ợ nóng trong nhiều năm, giờ đột nhiên lại giảm cân đột ngột, thì chắc chắn chúng tôi sẽ muốn xét nghiệm để kiểm tra.”
Giảm chất lượng cuộc sống
Ngoài các nguy cơ sức khỏe, các triệu chứng GERD có thể tác động đến mức độ hạnh phúc của một người.
Trong một nghiên cứu của Đức năm 2003 tiến hành trên 6.000 bệnh nhân GERD, hầu hết đều cho rằng chất lượng cuộc sống của họ bị sụt giảm do những vấn đề trong việc ăn uống, ngủ nghỉ, cũng như những hạn chế về mặt xã hội và sức khoẻ. (Ngoài ra còn các tác động về tài chính do tốn tiền mua thuốc trị ợ nóng quá nhiều.)
Chất lượng cuộc sống của bệnh nhân GERD cũng tương tự như của bệnh nhân đau tim, và trong một số trường hợp còn thấp hơn cả bệnh nhân ung thư và tiểu đường.
Theo Webtretho/health

Cảnh giác với 3 con đường lây nhiễm viêm gan


Viên gan B và C là hai loại viêm gan phổ biến nhất. Nếu bệnh không được phát hiện sớm, gan dễ bị phá hủy dẫn tới xơ gan, ung thư gan.




Tỷ lệ người Việt Nam bị viêm gan đang tăng nhanh. Riêng viêm gan B, đã có khoảng 20% dân số bị nhiễm. Kế đến là viêm gan A, C, D, E, G.
 
Viêm gan là nguy cơ hàng đầu gây xơ gan, suy gan, ung thư gan. Người ta gọi đó là những kẻ thù giấu mặt, hay kẻ giết người thầm lặng. 
Việt Nam nằm trong vùng có tỷ lệ viêm gan cao nhất trên thế giới. Triệu chứng của viêm gan thường không biểu hiện rõ, tuy nhiên nên chú trọng khi các hiện tượng sau xảy ra: Mệt mỏi, chán ăn, giảm cân hay đau hạ sườn phải.
Một số người có thể xuất hiện triệu chứng giống như khi bị cúm, kèm với sốt, nước tiểu sẫm màu hay phân bạc màu. Thông thường, rất hiếm trường hợp nhiễm viêm gan bị chứng vàng da hay vàng ở mắt.
Viêm gan thường rất khó phát hiện và thường chỉ biết được khi xét nghiệm máu. Viên gan B và viêm gan C mãn tính là hai loại viêm gan phổ biến nhất trong tất cả các loại viêm gan. Nếu bệnh không được phát hiện kịp thời, gan của người bệnh có thể bị phá hủy dẫn tới xơ gan, ung thư gan.
Virus viêm gan B là chủng virus gây ra những tổn thương nghiêm trọng nhất cho sức khỏe của bệnh nhân. Ước tính 1/3 dân số thế giới nhiễm virus viêm gan B, trong đó có 400 triệu người mắc virus viêm gan B mãn tính, 80% số người nhiễm virus viêm gan B sống ở Châu Á hay là những người gốc Á. Người ta gọi viêm gan B là "kẻ giết người giấu mặt".
Còn đối với viêm gan C, khoảng 85% số người nhiễm bị viêm gan mạn tính, trong đó 20% tiến triển thành xơ gan. Trong số những người bị xơ gan, một nửa tiến triển thành suy gan hoặc ung thư gan.
 
Tại Việt Nam, đã có 2 triệu người đang mắc căn bệnh nguy hiểm này, trong đó tỷ lệ tử vong chiếm gần 4%. Nguy hiểm hơn khi có 85% trường hợp nhiễm HCV sẽ diễn tiến thành viêm gan siêu vi C mãn tính trong khoảng 10-20 năm.
 
Khi bị viêm gan B hoặc C, nếu trong vòng 6 tháng mà không điều trị được, nó sẽ trở thành mãn tính, tức là tồn tại suốt đời với bệnh nhân. Khi đó, chỉ một chút lơ là trong ăn uống, sinh hoạt, gan sẽ bị xơ đi, không còn làm được chức năng lọc thải của mình nữa.
 
Từ xơ gan, nguy cơ bị ung thư gan càng cao. Người ta chỉ còn cách duy nhất là phẫu thuật cắt bỏ hoặc ghép gan mới mang lại hy vọng sống cho những bệnh nhân bị bệnh kéo dài, chi phí lúc đó sẽ lên đến tiền tỷ.
Cần chú ý 3 đường lây của viêm gan:
- Virus có thể lây từ người này qua người khác thông qua hoạt động tình dục.
- Tiếp xúc trực tiếp với máu của người bị nhiễm hay các sản phẩm từ máu (qua kim tiêm, dùng chung bấm móng tay, giũa móng tay và bàn chải đánh răng...)
- Bệnh cũng có thể lây từ mẹ sang con trong quá trình nuôi con bằng sữa hay khi sinh đẻ.
Theo TS VTV

Trẻ em cũng bị gan nhiễm mỡ


Gan nhiễm mỡ có thể xuất hiện ở trẻ em, nhất là trẻ béo. Nguy cơ ung thư và xơ gan sẽ rất cao nếu không được điều trị.




Các nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy, bệnh gan nhiễm mỡ hiện diện trong 75% người béo phì và tiểu đường tuýp 2. Bệnh lý này cũng được phát hiện ở 3% trẻ em, trong đó 50% là trẻ bị béo phì.
Thủ phạm gây bệnh
Gan nhiễm mỡ là quá trình tích tụ mỡ lớn hơn 5% trọng lượng gan. Nhiều người vẫn quan niệm nguyên nhân duy nhất gây chứng gan nhiễm mỡ là do nghiện đồ ăn có nhiều mỡ. Nhưng sự thực không hoàn toàn như vậy.
 
Trên thực tế, gan đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa các thực phẩm được thu nạp vào cơ thể thành những chất dinh dưỡng để nuôi cơ thể hoặc làm nhiệm vụ bẻ gãy liên kết của các mô mỡ. Tuy nhiên, khi chức năng gan bị suy yếu, nó sẽ không thể đảm trách tốt nhiệm vụ này và dần dần mỡ sẽ tích tụ tại gan.
 
Những người dễ mắc gan nhiễm mỡ gồm: người béo phì, người mắc chứng tiểu đường, người có hàm lượng triglycerides (hợp chất hóa học cung cấp cho cơ thể năng lượng cần thiết cho sự chuyển hóa ) cao trong máu và đặc biệt là những người nghiện rượu.
 
Các nghiên cứu đã kết luận, thủ phạm chính gây bệnh là rượu hoặc đồ uống có cồn; ăn uống thiếu khoa học không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể.
 
Nên ăn nhiều rau xanh để phòng bệnh gan nhiễm mỡ. Ảnh minh họa
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Hiện chưa có phương pháp điều trị gan nhiễm mỡ bằng phẫu thuật. Bác sĩ chỉ có thể kê một số loại thuốc hỗ trợ tình trạng này. Chính vì thế, lời khuyên dành cho bạn là nên phòng bệnh hơn chữa bệnh.
 
Hãy bắt đầu phòng tránh nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ bằng những thói quen có lợi sau:
 
- Bạn cần dành sự quan tâm đặc biệt đến chế độ ăn uống nếu không muốn là “nạn nhân” của chứng gan nhiễm mỡ. Nên cắt giảm hàm lượng chất triglycerides trong chế độ ăn uống. Nên tăng cường thêm rau xanh và trái cây đa dạng cả về hương vị và màu sắc.
 
- Cắt giảm đồ ăn ngọt trong chế độ ăn uống hàng ngày, đặc biệt nếu bạn có nguy cơ cao mắc tiểu đường hoặc đang là bệnh nhân tiêu đường, nên cắt giảm thực phẩm giàu calorie, chất đạm, chất béo.
- Uống đủ lượng nước cơ thể cần, từ bỏ rượu và khống chế hàm lượng đường trong máu. Đây là các nguyên tắc quan trọng mà bệnh nhân tiểu đường cần ghi nhớ để không gây nên biến chứng dẫn đến gan nhiễm mỡ.
Theo Thu Hà - Báo Đất Việt/ Gic&Health

Bạn nên làm gì khi bị táo bón?


Sắc mặt vàng, dễ mọc mụn, ăn ít, bụng ngày càng to… đều có thể do các độc tố trong cơ thể không kịp thời bài thải ra ngoài.



Những người bị táo bón lâu ngày, độc tố tích tụ có thể gây kích thích niêm mạc dạ dày, tạo cơ hội cho bệnh ung thư đại tràng phát tác. Chứng táo bón phần nhiều do thói quen ăn uống, sinh hoạt gây ra, nguyên nhân khác nhau với từng đối tượng.

Dân văn phòng

Ngồi lâu ít hoạt động, ăn uống không điều độ, thích ăn cay, hay uống rượu…đều có thể là nguyên nhân gây táo bón. Ngoài ra, áp lực tinh thần lớn cũng là 1 nguyên nhân thường gặp.

Nhóm đối tượng này nên cải thiện trạng thái hay lo lắng, kịp thời giải tỏa áp lực, cố gắng duy trì tâm trạng vui vẻ, thoải mái sẽ mang lại tác dụng hỗ trợ cân bằng hệ thần kinh, giúp ruột và dạ dày được thông suốt.

Trẻ nhỏ

Nhiều trẻ do kén ăn dẫn đến táo bón. Một số em do mải chơi cũng gây ức chế cho việc đại tiện, thời gian dài, chất thải tích tụ quá lâu trong ruột sẽ bị khô, cứng, gây táo bón. Nên rèn cho bé chế độ ăn cân bằng, và tập thói quen đi đại tiểu tiện.

Bà bầu

Bà bầu bị táo bón chủ yếu do ăn uống quá chọn lọc, vận động ít, hoặc vị trí thai bị lệch ép lên ruột và dạ dày. Bà bầu nên ăn nhiều rau củ chứa nhiều chất xơ, uống sữa chua, và tăng lượng thời gian vận động.

Người già

Nguyên nhân táo bón chủ yếu ở người cao tuổi do suy yếu các chức năng của các cơ quan nội tạng, khiến ruột và dạ dày hoạt động kém. Người già nên mát-xa bụng theo chiều kim đồng hồ mỗi sáng sớm 100 lần.

Lưu ý: Người bị đi ngoài ra máu, phân đen cần chú ý có thể do niêm mạc bị tổn thương, nặng hơn có thể do viêm loét dạ dày, hoặc do khối u.

Cách đơn giản để trị chứng táo bón: uống 1 ly nước muối loãng, hoặc nước mật ong kết hợp mát-xa bụng và lắc hông mỗi sáng sớm.  

Theo Phạm Thúy - Dân trí/ people

Cải thiện tiêu hóa nhờ hạt thì là


Hạt thì là không chỉ thêm hương vị cho thực phẩm mà còn có lợi cho cơ thể.



Ảnh minh họa
 
Theo báo The Times of India dẫn nguồn từ các chuyên gia Ấn Độ, đó là nhờ:
- Đây là một nguồn giàu chất sắt và do đó, rất có lợi cho những người thiếu máu cũng như các bà mẹ cho con bú và phụ nữ mang thai - vốn có xu hướng cần nhiều chất sắt hơn người khác.
- Hạt thì là trợ giúp tiêu hóa và ngăn ngừa chứng khó tiêu, đầy hơi, tiêu chảy, buồn nôn và ốm nghén.
- Để giảm vị chua trong dạ dày, hãy nhai một ít hạt thì là.
- Có đặc tính khử trùng và hỗ trợ trong việc chữa cảm lạnh phổ biến.
- Có công dụng cải thiện hệ hô hấp, chống ho.
- Đun sôi một ít hạt thì là cùng với nước. Uống loại nước này giúp ngừa cảm lạnh thông thường và cải thiện hệ tiêu hóa.
- Hạt thì là giúp kích thích sản sinh các enzyme trong tuyến tụy, qua đó giúp hấp thu các chất dinh dưỡng.
- Giúp củng cố gan, qua đó đẩy độc tố ra khỏi cơ thể.
Theo Nhất Linh - Thanh Niên

Những dược phẩm người loét dạ dày, hành tá tràng không nên uống


Nguyên nhân gây loét dạ dày có thể do phản ứng kích thích hóa học của một số dược phẩm. Do vậy người bệnh cần lưu ý với những loại thuốc sau.


1. Không uống các thuốc như Aspirin Indomethacin, Ibuprofen... 

Những loại này là thuốc giải nhiệt, giảm đau, có thể làm gia tăng mức độ loét do tiêu hóa dẫn tới.
 
Như Aspirin trực tiếp tác dụng tới niêm mạc dạ dày, có tác dụng kích thích mạnh tới niêm mạc dạ dày làm cho tế bào thượng bì bị long rụng ra, dẫn tới niêm mạc mất chức năng làm lá chắn che chở, dễ làm cho niêm mạc dạ dầy bị mủn loét và xuất huyết dạ dày
 
Thuốc Indomethacin có thể kích thích làm tăng lượng nội tiết của chất vị toan, dễ dẫn tới tiêu hóa kém và gây loét.
 
 Ibuprofen có tác dụng gây loét nhẹ hơn so với Indomethacin và phenylbutazone, nhưng người bệnh loét đường tiêu hóa cũng không nên uống.
 
2. Không uống các loại thuốc dạng Cortical hormone (Corticoid, adrenocortical hormone, Cortex hormone) như Cortisone prednisone, dexamethasone (DXM)...
 
Loại thuốc này dễ kích thích làm tăng lượng nội tiết vị toan và làm giảm thiểu năng lực bảo hộ và tự sửa chữa của lớp niêm mạc dạ dày, uống thời gian dài sẽ làm tăng nặng mức độ loét, thậm chí dẫn tới tai biến xuất huyết, xuyên thủng thành vách dạ dầy.
 
3. Không nên uống các loại thuốc hạ huyết áp như Guanethidine, Ebserpine
 
Loại thuốc này có thể dụ phát nội tiết vị toan, làm tăng nặng thêm chứng loét và còn dẫn tới hiện tượng xuất huyết đường tiêu hóa.
 
Đồng thời người bệnh loét dạ dày, hành tá tràng tuyệt đối tránh uống các loại thuốc tê chống liệt rung như Levodopa, Promocriptine.
 
4. Không uống các loại thuốc lợi tiểu như Furosemide, Ethacrymic acid
 
Các loại thuốc này có thể dẫn tới những phản ứng đường ruột, dạ dày như lợm giọng, nôn ói, đau phần bụng trên... trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn tới xuất huyết đường ruột, dạ dầy.
 
5. Không uống các loại thuốc hưng phấn trung khu thần kinh có chứa caffeine
 
Caffeine là loại chất kích thích mạnh, trực tiếp kích thích tế bào thành dạ dày, nội tiết càng nhiều vị toan, làm tăng nặng thêm loét dạ dày và loét hành tá tràng.
Ngoài ra, người bệnh loét đường tiêu hóa tuyệt đối không uống thuốc ngủ Chloralhydrate.
Theo DS Bùi Tú Loan - Người cao tuổi/Family Doctor

Người bệnh gan nên ăn uống thế nào


Để bảo vệ gan, tránh hoặc hạn chế tổn thương cho gan và giúp mau lành, người bệnh cần ăn uống hợp lý.


Gan là một cơ quan quan trọng của cơ thể có chức năng tổng hợp các chất cần thiết cho cơ thể, chuyển hóa các chất gây độc để thải ra ngoài, giải độc cho cơ thể.
 
Viêm gan và xơ gan là hai bệnh thường gặp ở gan, gây ra các tổn thương tế bào nhu mô gan có thể ở dạng teo, xơ hóa, thâm nhiễm mỡ, hoại tử.
 

Chế độ ăn theo từng giai đoạn
 
Giai đoạn viêm cấp tính
 
Mặc dù bị tổn thương nhưng gan vẫn phải làm việc, nên ăn uống phải nhằm mục đích giảm bớt gánh nặng cho gan nhưng vẫn bồi bổ được cho gan.
 
 Muốn thế cần cho bệnh nhân ăn thức ăn lỏng, mềm như cháo, bột đậu nành, bột sắn. Có thể kết hợp truyền dung dịch glucoza ưu trương 30%, 40%.
 
Nước trái cây pha đường, chuối, đu đủ, hồng xiêm nghiền. Sau một thời gian cho tăng dần thức ăn đặc như cháo thịt hầm nhừ, súp khoai tây nghiền, bánh mì, bánh quy ăn với sữa loãng.
 
Bệnh nhân cần được ăn nhiều bữa, ngoài 3 bữa chính là sáng, trưa, tối, các bữa phụ cho ăn thức ăn lỏng giàu đạm, ít mỡ như sữa tách bơ, sữa đậu nành…
 
 Bệnh nhân viêm gan và xơ gan không nên ăn phủ tạng động vật
Giai đoạn phục hồi
Cần cho ăn đảm bảo các chất sau: protein từ 1,5 - 2,0g/kg thể trọng, nên ăn thịt bò, phomát, thịt lợn nạc, gan gà, cá, sữa đậu nành.
 
Gluxid: 4-5g/kg thể trọng, nên ăn cơm, khoai tây, khoai lang, bánh ngọt, rau xanh các loại, trái cây chín. Lipid cần 0,5g/kg thể trọng, nên ăn dầu thực vật.
 
Các loại vitamin nhóm B là cần nhất, cùng với vitamin C, K, PP, E, A, D. Bệnh nhân cần ăn nhạt nếu bị phù hoặc cổ trướng.
Những thực phẩm nên và không nên ăn
Cơ cấu thức ăn của bệnh nhân xơ gan cần đảm bảo năng lượng cao bằng gluxid, đủ protein tối thiểu, ít chất béo.
 
Gluxid nên ăn 300-400g/ngày để cơ thể khỏi dùng protein tạo năng lượng. Protein cho bệnh nhân ăn chỉ ở mức đủ để cân bằng nitơ, vì nếu thừa quá sẽ dẫn đến hôn mê gan, ít quá sẽ gây mất cân bằng nitơ, trung bình là 0,6-0,7g protein/kg thể trọng/ngày.
 
Lipid ăn hạn chế ở mức 10g/ngày. Vitamin và chất khoáng: cần cho đủ vitamin vì ở bệnh nhân xơ gan việc hấp thu các vitamin nhóm B và vitamin tan trong mỡ (A, D, E, K) đều giảm, bệnh nhân có phù và cổ trướng thì phải ăn nhạt.
 
Cho bệnh nhân uống ít nước hơn lượng nước tiểu bài tiết ra trong ngày nếu có phù và cổ trướng nặng.
 
Chất xơ: lưu ý không cho bệnh nhân ăn thức ăn nhiều xơ mà nên ăn thức ăn mềm để đề phòng phồng vỡ tĩnh mạch thực quản.
 
 Hình thể ngoài của gan bị xơ
Các thức ăn nên chế biến nhừ, nghiền nhỏ, bột. Thức ăn nên dùng là thịt nạc các loại, sữa tách bơ, các loại bột gạo, đậu, miến dong, bánh phở, đường, đường glucoza, dầu thực vật, trái cây chín ngọt dạng nghiền hoặc nước ép, có thể dùng dược phẩm đa sinh tố.
Các thức ăn không nên ăn
 
Mỡ động vật, thịt mỡ, cá nhiều mỡ, ăn ít trứng (chỉ ăn một tuần 2 quả), hạn chế bơ, sữa bò chưa tách bơ, các loại phủ tạng động vật như tim, gan, bồ dục, không ăn mặn.
 
Nhiều nghiên cứu của các nước trên thế giới cho thấy: tỉ lệ xơ gan tăng song song với tỉ lệ sử dụng rượu. Rượu là chất độc đối với gan, gây tổn thương tế bào gan, rối loạn chức năng gan, gây rối loạn chuyển hóa ở gan, làm tăng acid lactic, acid uric, giảm đường huyết.
 
Chuyển hóa rượu trong cơ thể gây tăng axetaldehyt trong máu và trong tế bào gan, tương tác với các chất protein, lipid ở màng tế bào gan gây biến đổi cấu trúc chức năng rồi hủy hoại tế bào gan. Rượu, bia còn là nguyên nhân gây viêm gan.
 
Theo ThS Bùi Quỳnh Nga Sức khỏe và Đời sống

Món ăn cho người viêm gan siêu vi B


Bệnh viêm gan siêu vi B có khả năng lan truyền rất cao. Sau đây là một số món ăn và cũng là bái thuốc chi những người mắc bệnh này.




Thống kê cho thấy, tỷ lệ nhiễm siêu vi B trong dân số Việt Nam lên tới 15-20%, có nơi tới 25%.
 
Theo Đông y, viêm gan siêu vi B được chia làm hai thể:
- Dương hoàng tức viêm gan siêu vi B cấp tính. Cách chữa chủ yếu là dùng phương pháp thanh nhiệt, giải độc, trừ thấp, lợi tiểu.
- Âm hoàng tức viêm gan siêu vi B mạn tính. Cách chữa chủ yếu là dùng phương pháp bổ tỳ vị, giải độc, trừ thấp, tăng cường chức năng hoạt động của gan.
Sau đây là một số món ăn có ích cho người bị viêm gan siêu vi B:
 
Cháo rau má
 
Rau má tươi 100g, đậu xanh 50g, gạo tẻ 50g. Rau má rửa sạch cắt nhỏ, gạo, đậu xanh vo sạch cho vào nồi với lượng nước vừa đủ để nấu thành cháo nhừ. Sau đó, cho rau má vào, nấu sôi lại vài phút. Ăn nóng lúc đói với ít muối hoặc đường.
 
Công dụng: Món này có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, thích hợp với người bị viêm gan B cấp tính.
 
Canh trứng gà nấu câu kỷ, táo đỏ
 
Câu kỷ 30g, táo đỏ 20g, trứng gà hai quả, nước 300cc. Nấu đến khi trứng chín. Vớt trứng ra, bỏ vỏ rồi cho vào chung với đường đỏ, nấu đến khi đường tan. Chia một-hai lần, ăn trứng uống canh. Cách hai ngày ăn một lần.
 
Công dụng: Món canh này có tác dụng bổ tỳ vị, bổ thận, trừ thấp, thích hợp dùng cho người bị bệnh viêm gan mạn tính.
 
Canh táo đỏ nấu đậu phộng
Táo đỏ, đậu phộng, đường phèn mỗi thứ 30g. Cho đậu phộng vào nồi đất trước, cho nước vào, nấu khoảng 20 phút. Táo đỏ bỏ hột, cho vào nồi đất nấu chung với đậu phộng, thêm 20 phút nữa. Sau đó cho đường phèn vào, nấu tiếp năm phút. Dùng mỗi tối trước khi ngủ, liên tục 30 ngày.
Công dụng: Món này có tác dụng thông tỳ ích khí, khử thấp giải độc, dùng cho viêm gan cấp và mạn tính, xơ cứng gan.
 
Canh thịt heo nạc nấu nấm rơm
Nấm rơm tươi 200g, thịt heo nạc 200g. Nấm rơm tươi rửa sạch, cắt miếng, bỏ chung vào nồi đất, thêm nước, dùng lửa vừa nấu đến khi thịt nạc chín mềm, thêm gia vị vừa miệng. Dùng ăn trong bữa cơm.
 
Công dụng: Tác dụng giúp tư âm nhuận táo, kiện vị bổ tỳ, dùng cho chứng viêm gan mạn tính.
Canh cần tây, thịt heo nạc
Rau cần tây 100g, thịt heo nạc 100g, nấm hương (nấm đông cô) 20g, tỏi 5g, ít muối. Rau cần tây chỉ lấy cuống và lá rửa sạch, cắt nhỏ. Nấm hương ngâm nước nóng có chút gừng sau 20 phút thì rửa sạch, cắt nhỏ. Thịt heo nạc rửa sạch, xắt nhỏ (có thể thay bằng bột đậu xanh), tỏi bóc vỏ, đập dập.
Đun sôi nửa lít nước, cho thịt nạc vào, thịt chín thì cho cần tây, nấm hương, tỏi vào. Tiếp tục đun cho sôi. Ăn nóng lúc đói.
Công dụng: Tác dụng giúp thanh nhiệt lợi thấp, giải độc, dùng cho viêm gan cấp và mạn tính.
Cháo gạo lức, hải sâm
Gạo lức 80g, hải sâm 40g, cải cúc (hoặc cải bẹ xanh) 40g, táo đỏ tám trái. Gạo lức vo sạch, hải sâm ngâm mềm, cải cúc rửa sạch, cắt nhỏ, táo đỏ rửa sạch, bỏ hột. Nấu gạo thành cháo nhừ, cho các nguyên liệu vào nấu thêm với lửa nhỏ vài phút. Ăn nóng lúc đói.
Công dụng: Món này thích hợp với người bị viêm gan B mạn tính, cơ thể suy nhược, ăn ngủ kém.
Cháo nhân trần
Nhân trần cao 50g, gạo tẻ 100g, đường trắng vừa đủ. Dùng 600ml nước để sắc nhân trần trong 30 phút. Bỏ bã lấy nước đổ vào nồi, cho gạo tẻ vào, dùng lửa nhỏ hầm thành cháo, thêm đường trắng, trộn đều để ăn.
Công dụng: Món cháo này giúp thanh nhiệt giải độc, lợi thấp, thoái hoàng, thích hợp cho người bị viêm gan vàng da lây nhiễm cấp tính, tiểu tiện khó, bí tiểu.
Người bị viêm gan B cần lưu ý một số điểm sau đây:
- Ăn uống đầy đủ, cân đối các chất dinh dưỡng, không nên quá kiêng cữ để duy trì sức khỏe, giúp phục hồi tốt chức năng gan. Cần tránh rượu, thuốc lá, các chất phụ gia độc hại, phẩm màu tổng hợp, các chất bảo quản thực phẩm.
- Không dùng các thức ăn nướng cháy, các loại chiên xào nhiều dầu mỡ, nội tạng động vật.
- Cần thận trọng khi sử dụng các loại hóa dược. Tốt nhất nên tuân thủ chỉ định của thầy thuốc.
- Không lao động tay chân hoặc lao động trí óc quá sức. Tăng cường nghỉ ngơi, thư giãn tinh thần.
- Tập luyện thể dục thể thao vừa sức như đi bộ, dưỡng sinh, yoga, thái cực quyền, bơi lội…
Theo Lương y Đinh Công Bảy - Phụ nữ Online

Khi nào cần uống kháng sinh trị tiêu chảy?


Người già, trẻ em là những đối tượng dễ bị tiêu chảy nặng, có thể suy thận, trụy mạch nếu không được cấp cứu kịp thời.


Mọi người cần thực hiện rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh - Ảnh: internet
 
Điều trị tiêu chảy chủ yếu là bù nước và điện giải, do vậy phải đánh giá chính xác tình trạng mất nước điện giải.
Nếu mất nước nhẹ: Bồi phụ nước bằng đường uống khi còn uống được. Thường dùng oresol. Pha trong 1 lít nước. Nếu không có thì dùng nước cháo, nước sôi để nguội pha ít muối và đường vừa đủ (1 thìa cà phê muối + 8 thìa cà phê đường + 1 lít nước).
Mất nước nặng: khi lượng nước mất lớn hơn 5% trọng lượng cơ thể hoặc khi uống không có kết quả thì phải bù nước bằng truyền tĩnh mạch. Tổng số dịch truyền trong 24 giờ sẽ bao gồm trọng lượng cơ thể bị hao hụt và nhu cầu nước bình thường mỗi ngày. Dịch truyền chủ yếu là dung dịch mặn, ngọt đẳng trương. Nếu hạ kali máu phải bù kali.
Kháng sinh được chỉ định cho những bệnh nhân có dấu hiệu tiêu chảy xâm nhiễm (có bạch cầu trong phân) hoặc những bệnh nhân có tổn thương đáp ứng miễn dịch, những người già, trẻ em. Tuỳ theo căn nguyên sử dụng kháng sinh thích hợp:
 
- Đối với lỵ trực khuẩn, Salmonella, E.Coli sử dụng các kháng sinh nhóm quinolon như: ciprofl oxacin, ofl oxacin, pefl oxacin. Không dùng cho trẻ em và phụ nữ có thai.
 
- Đối với vi khuẩn Campylobacter Jejuni, sử dụng kháng sinh Erythromycine trong trường hợp nhiễm khuẩn.
 
- Với phẩy khuẩn tả uống tetracyclin hoặc chloramphenicol hoặc biseptol.
 
Trong những ngày hè, các cơ sở y tế ở những nơi du lịch, nghỉ mát thường phải cấp cứu không ít các trường hợp tiêu chảy cấp vì ngộ độc thức ăn, trong số đó có người không may mắn đa tử vong.
 
Do vậy, để phòng bệnh cần phải đảm bảo vệ sinh ăn uống, chú ý các bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn. Kiểm soát dây chuyền sản xuất thực phẩm ăn uống. Sử dụng nước sạch và thay đổi tập quán ăn uống ở các vùng như ăn thức ăn tái (chưa nấu chín) hoặc sử dụng các thức ăn không đảm bảo vệ sinh.
 
Nếu có những dấu hiệu của bệnh cần phải bù nước hay đến cơ sở y tế, không được tự ý dùng các thuốc chống tiêu chảy vì sẽ càng khó khăn cho công tác điều trị nếu phải nhập viện.
 

Theo ThS. Nguyễn Văn Dũng - Sức khỏe & Đời sống

Phân biệt 3 loại bệnh tiêu chảy thường gặp trong mùa hè


Khí hậu nóng ẩm mùa hè là điều kiện thuận lợi cho tác nhân gây tiêu chảy. Bệnh thường gặp ở những nơi vệ sinh kém, thức ăn bị ô nhiễm.



Tiêu chảy với biểu hiện hội chứng lỵ

Lỵ trực khuẩn: Căn nguyên do Shigella gây ra. Biểu hiện lâm sàng với các triệu chứng đau bụng quặn, mót rặn, đi ngoài lờ máu cá hay như nước rửa thịt, sốt. Cần điều trị sớm bằng các kháng sinh đặc hiệu nhưng cần chú ý đến hiện tượng kháng kháng sinh của vi khuẩn.

Escherichia Coli (E. Coli): có 3 chủng có thể gây tiêu chảy xâm nhập với hội chứng lỵ đau quặn, mót rặn và phân lỏng máu mũi. Gồm các chủng: E. Coli gây bệnh lý ruột; E. Coli độc tố xâm nhập ruột; E.Coli độc tố gây chảy máu ruột.

Yesinia Enterocolica: Nguồn bệnh là nước, thức ăn bị ô nhiễm như sữa, rau, thịt gây viêm dạ dày, ruột hoặc viêm hạch mạc treo, đôi khi có vãng khuẩn huyết. Biểu hiện lâm sàng: đau bụng dữ dội, tiêu chảy, có sốt và phân có máu. Ở trẻ em thấy viêm khớp và ban đỏ nốt.
Campylobacter jejuni: Nguồn bệnh là thịt và gia cầm. Ủ bệnh từ 1 - 3 ngày. Người bệnh sốt nhẹ, đi phân lỏng có nhầy và máu, đau bụng, có thể viêm hạch mạc treo. Thường tự khỏi và hồi phục sau 5 - 8 ngày.


Trong những ngày hè, tại những nơi du lịch, nghỉ mát thường xảy ra các trường hợp
tiêu chảy cấp vì ngộ độc thức ăn - Ảnh: internet

Tiêu chảy do nhiễm khuẩn nhiễm độc thức ăn

Bệnh không chỉ có ở các nước nghèo, kém phát triển mà cũng thường gặp ở các nước phát triển có đời sống cao. Nhiễm khuẩn nhiễm độc thức ăn có thể chia làm 2 loại:

Ăn phải thức ăn chứa vi khuẩn có khả năng đột nhập vào niêm mạc ruột và gây bệnh như Salmonella (S. typhi murium và S. enteritidis). Là bệnh thường gặp nhất. Bệnh lây qua đường tiêu hoá do ăn thức ăn bị nhiễm Salmonella. Ủ bệnh trung bình 12 - 36 giờ sau khi ăn. Khởi phát bệnh đột ngột sốt, đau bụng thượng vị hoặc quanh rốn, không mót rặn, tiêu chảy nhiều lần, phân thối, nhiều nước. Phân đôi khi có nhầy, máu, gần giống với phân lỵ trực khuẩn. Trường hợp nặng có rối loạn điện giải do mất nước (môi khô, mắt trũng, khát nước). Nếu không chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong do trụy mạch

Ăn phải thức ăn có chứa độc tố của vi khuẩn đã hình thành sẵn trong thức ăn và chính độc tố này gây bệnh (độc tố của tụ cầu vàng, Clostridium Perfringens, Clostridium Botulinum, Bacillus cereus và Vibrio Parahaemolyticus). Biểu hiện lâm sàng với tiêu chảy nhiều lần trong ngày, đau bụng, không sốt, buồn nôn và nôn. Nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng mất nước và tử vong.

Các tác nhân do tả và E.Coli

Bệnh tả: Do Vibrio cholerae gây nên. Ủ bệnh trung bình 5 ngày. Biểu hiện lâm sàng đi ngoài phân nhiều lần/ngày, phân lờ lờ như nước vo gạo, không đau bụng, không sốt. Bệnh gây dịch. Có thể gây tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng.

E .Coli sinh độc tố ruột: gây tăng tiết dịch và điện giải vào lòng ruột, không có viêm. Nguồn lây là thức ăn và nước. Ủ bệnh 24 - 72 giờ, có thể sốt nhẹ, phân nhiều nước. Ở những nước đang phát triển hay gặp tiêu chảy của trẻ em 5 - 30%. Đặc biệt là nguyên nhân quan trọng gây tiêu chảy cho người đi du lịch. Nó gây tiêu chảy nhẹ nhưng kéo dài đến 5 tuần.

Cần phân biệt các trường hợp tiêu chảy trên với các trường hợp sau: tiêu chảy cấp do Enterovirus hay gây dịch nhỏ khu trú và chủ yếu ở trẻ em, tiêu chảy do ký sinh trùng, tiêu chảy do ngộ độc các hoá chất phun trên rau quả.

Theo ThS. Nguyễn Văn Dũng - Sức khỏe & Đời sống

Gan chưa mát, bụng đã trướng


Đưa liều lượng hoạt chất thái quá vào cơ thể làm tăng gánh nặng giải độc cho gan. Đừng quên hoạt chất nào muốn nên thuốc cũng phải được gan chuyển hóa.


Thuốc tốt cũng phải đúng liều
Từ quan điểm “mát gan”, nhiều người đang dùng một số loại nước có pha dược thảo như nước uống suốt ngày. Việc sử dụng như thế là không đúng cách nên chẳng những đã không mát gan mà có khi còn hại gan một cách oan uổng. Dưới đây là hai thí dụ cụ thể:
 
Không thiếu người uống nước atisô cả lít mỗi ngày vì nghe nói uống như thế vừa bổ gan vừa đẹp da vừa trị đau bao tử nhưng sau đó lại bị đầy hơi khó chịu, đến bữa ăn bụng đói cồn cào nhưng mới ăn vài miếng thì đã no, trong khi con mắt còn thèm.
 
Minh họa: Nguyễn Tài
 
Atisô đúng là vị thuốc rất tốt để nhuận gan, lợi mật và để phục hồi nhu mô gan nên được dùng để giải độc cho cơ thể, nhất là ở đối tượng hút thuốc, uống rượu, làm việc trong môi trường ô nhiễm, người bị tăng mỡ máu… Người bị viêm loét dạ dày, tá tràng cũng nên dùng atisô hỗ trợ chức năng biến dưỡng chất béo nhằm giảm bớt gánh nặng cho lá gan, trái thận và khung ruột. Nên nhớ là vết loét trên niêm mạc dạ dày, tá tràng sẽ rất lâu lành ở người cao mỡ máu, béo phì.
Nhưng không nên vì thế mà tự đầu độc bằng lượng atisô quá cao. Bởi cũng vì tác dụng tiết mật và co thắt túi mật để đẩy mật từ gan xuống ruột mà atisô nếu lạm dụng vì dùng quá thường xuyên hoặc mỗi lần dùng quá nhiều thì có thể gây co thắt toàn bộ cơ trơn của đường tiêu hóa. Cứ co vào dãn ra thì vết loét khó lành đồng thời nạn nhân sớm muộn cũng đầy hơi trướng bụng.
Táo bón như chơi
Nhiều người có thói quen chỉ uống trà thay nước trắng. Cũng như atisô, trà, dù là trà xanh hay trà đen, cũng là thuốc tốt vì hoạt chất kháng ôxy hóa trong trà (cụ thể là chất ECPG) có công năng phòng chống xơ vữa mạch máu, ngăn ngừa ung thư cho đối tượng phải tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, với hóa chất công nghiệp, nông nghiệp… Bằng chứng là các nhà nghiên cứu gần đây đã khuyên nên uống trà xanh khoảng 30 phút trước khi ra nắng để hoạt chất trong trà rải đều khắp cơ thể nhằm phong bế tác hại của tia tử ngoại trong ánh nắng gay gắt.
Nhưng bên cạnh đó, có hai điểm bất lợi thấy rõ khi chúng ta uống hơn 1 lít nước trà trong ngày. Đó là: Chất chát trong trà khiến khung ruột co thắt rồi đến lúc thành co cứng. Ẩm khách vì quá yêu trà sau đó sẽ trở thành nạn nhân của chứng táo bón; lượng sắt trong trà bao giờ cũng chiếm ưu thế khi tương tranh với các khoáng tố khác.
 
Người yêu trà vì thế tuy thừa sắt nhưng lại thiếu nhiều khoáng tố vi lượng khác như kẽm, crôm, mangan… Đây lại là những nhân tố cần thiết cho hệ miễn dịch, biến dưỡng, thần kinh giao cảm. Lạm dụng nước trà vì thế có thể dẫn đến mệt mỏi, biếng ăn, buồn chán…
Tăng gánh nặng cho gan
Không chỉ riêng với atisô hay trà mà với cây thuốc nào cũng thế, người bệnh và ngay cả người chưa bệnh nhưng muốn phòng bệnh cũng không nên tự ý dùng thuốc theo lời đồn. Đừng quên là hoạt chất nào muốn nên thuốc cũng thế, phải được lá gan chuyển hóa mới triển khai được tác dụng như mong muốn. Gan thậm chí phải làm việc đến hai lần vì hoạt chất nào cũng vậy, dù là hóa chất tổng hợp hay dẫn xuất từ nguồn gốc thiên nhiên, sau khi tác dụng đều phải được gan biến thể lần nữa thành dạng không độc cho cơ thể trước khi theo đường bài tiết.

Mang hoạt chất vào cơ thể với liều lượng thái quá trong trường hợp không cần thiết thì chỉ tăng thêm gánh nặng giải độc cho lá gan. Tệ hơn nữa, nếu lá gan trước đó đã mệt nhoài vì gia chủ vướng một bệnh mãn tính nào đó.
 
Ngay cả khi dùng thuốc bổ cũng phải cân nhắc lợi hại. Không có thứ thuốc nào như thiên hạ thường đồn thổi là nếu không bổ chiều dọc cũng bổ chiều ngang. Vì đã là thuốc thì chỉ có thuốc tốt hay thuốc độc.

Theo BS Lương Lễ Hoàng - Người Lao động

Gia tăng bệnh nhân viêm gan do uống rượu


Nghiên cứu vừa được công bố cho thấy, 25% bệnh nhân viêm gan do uống rượu sẽ tiến triển thành xơ gan.


Điều trị cho bệnh nhân viêm gan. Ảnh minh họa

Theo thống kê của Hiệp hội Rượu bia Việt Nam, tỷ lệ người nghiện rượu tại thành phố là 5%, tại vùng núi là 3%. Người nghiện rượu đa số là nam giới, trong độ tuổi 20-30. Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ người nghiện rượu ở nữ giới đang tăng.
PGS.TS Phạm Thị Thu Hồ, Phó chủ tịch Hội Tiêu hóa Việt Nam, cho biết, Khoa Tiêu hóa thường xuyên trong trạng thái quá tải, phải nằm ghép nhiều bệnh nhân trên một giường. Phần lớn bệnh nhân tại khoa là nam giới và đều mắc bệnh gan. Bệnh viêm gan có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chính là do uống rượu quá nhiều.
Thống kê của ngành y tế cho thấy, tại nhiều bệnh viện số bệnh nhân phải nhập viện để điều trị bệnh xơ gan do uống rượu tăng trong thời gian gần đây. Theo đó, khoảng ¼ số bệnh nhân nằm tại khoa Tiêu hóa gan mật là xơ gan. Rượu chính là thủ phạm gây xơ gan đứng hàng thứ 2, chỉ sau siêu vi viêm gan B.
Trong một nghiên cứu mới được công bố hôm qua, TS Thu Hồ chỉ ra, 50% người nghiện rượu gan bị nhiễm mỡ kèm tăng Trigyceride máu; 1/3 người uống rượu sẽ bị viêm gan , thậm chí bị viêm gan bùng phát dẫn tới tử vong; 25% bệnh viêm gan do rượu sẽ tiến triển đến xơ gan. Bệnh có thể gây tử vong, nhất là những người đã có bệnh gan từ trước.
 
Ở những người bị viêm gan do siêu vi C, rượu có thể đẩy nhanh tiến trình xơ hóa trong gan. Những người đã bị xơ gan vì bất cứ lý do gì, nếu uống rượu sẽ làm gan ngày càng suy yếu nhanh hơn và bệnh nặng hơn.
PGS.TS Mai Hồng Bàng, Phó giám đốc BV T.Ư Quân đội 108 cho biết, trường hợp gan nhiễm mỡ do uống rượu thường ít khi có dấu hiệu rõ mà chỉ khoảng 1/3 có biểu hiện gan to và đôi khi đau. Trên siêu âm sẽ thấy rõ tình trạng gan nhiễm mỡ. Viêm gan do rượu có thể biểu hiện giống viêm gan nhiễm virus như sốt, vàng da, vàng mắt, xét nghiệm máu có tăng nhẹ bạch cầu, tăng men gan và bilirubin máu.
Gan nhiễm mỡ là giai đoạn sớm nhất của bệnh gan do uống rượu. Khi cơ thể tiếp nhận nhiều rượu, ngay cả trong trường hợp uống rượu trong một vài ngày, cũng có thể làm tế bào gan sưng phồng lên chứa tế bào mỡ. Nếu ngừng uống rượu vào giai đoạn này các tế bào gan có thể hồi phục. Khi tế bào gan bị viêm và hư hại kéo dài qua nhiều năm và các tế bào chết dần sẽ được thay thế bằng các mô xơ và bắt đầu quá trình xơ gan.
 
Theo Thái Hà Tiền Phong

Dinh dưỡng cho người mắc bệnh gan


Nếu dùng chế độ dinh dưỡng không phù hợp khi mắc bệnh về gan sẽ làm cho bệnh lý về gan càng nặng thêm




Khi mắc các bệnh về gan, nhất là viêm gan, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc chuyển hóa các loại thực phẩm và làm cho người bệnh mất cảm giác thèm ăn hay chán ăn. 

Dinh dưỡng phù hợp trong bệnh lý viêm gan là thực hiện chế độ ăn uống có sự cân đối giữa các thành phần như đường, chất béo, chất đạm, các vitamin và khoáng chất. Chế độ dinh dưỡng này tùy thuộc vào từng giai đoạn của bệnh.

Trong bệnh lý viêm gan cấp

Trong bệnh lý viêm gan cấp, các tế bào gan bị phá hủy cấp tính cho nên các chức năng hoạt động bình thường của gan bị xáo trộn và được biểu hiện bằng các dấu hiệu mệt mỏi và rối loạn tiêu hóa: chán ăn, ăn không tiêu, sình bụng, tiêu chảy, nhất là hay buồn nôn và nôn ói. Khi có một trong các dấu hiệu trên nhất thiết phải đến ngay các bác sĩ chuyên khoa để được khám và được hướng dẫn phương pháp điều trị kịp thời. Đồng thời, người bệnh phải áp dụng chế độ nghỉ ngơi và ăn uống hợp lý với các loại thức ăn, đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng và năng lượng cần thiết cho cơ thể, không nên kiêng ăn quá mức. 


Các loại thức ăn dành cho người bệnh trong giai đoạn này là những loại dễ tiêu hóa, dễ hấp thu như: ngũ cốc, đường, mật ong và hoa quả ngọt. Đối với chất đạm, nên chọn loại có giá trị dinh dưỡng cao nhưng ít chất béo như lòng trắng trứng, cá nạc, sữa không béo, đậu hũ…với số lượng khoảng 50 - 70g mỗi ngày. Tuy nhiên, cần tránh quan niệm cho rằng “ăn chuối để chữa bệnh viêm gan”, vì chúng không có giá trị trong điều trị bệnh mà đó chỉ là những lời truyền miệng không có chứng cứ khoa học.

Trong trường hợp viêm gan quá nặng với các triệu chứng vật vã, lơ mơ thì phải giảm lượng đạm xuống dưới 40g mỗi ngày, vì chất được chuyển hóa từ đạm là amoniac (NH3) không còn được gan đào thải mà sẽ tích tụ trong máu dễ dẫn đến hôn mê gan. Mặt khác cũng cần thiết phải giảm cung cấp chất béo, chỉ sử dụng khoảng 15g mỗi ngày, tuyệt đối không ăn các loại thức ăn có nhiều cholesterol như óc, tim, gan, lòng heo, lòng đỏ trứng vì viêm gan có thể dẫn đến tắc mật cho nên không tiêu hóa hết các chất béo mà cần phải ăn nhiều rau quả tươi để cung cấp chất khoáng và các vitamin cần thiết giúp cho gan hoạt động tốt hơn

Khi mắc bệnh gan tuyệt đối phải ngưng hẳn rượu bia và các thức uống có cồn cho đến khi gan hồi phục hoàn toàn. Khi sử dụng các loại thuốc tân dược cũng cần phải hết sức thận trọng vì có một số thuốc cũng có thể gây độc cho gan như thuốc an thần, các thuốc giảm đau kháng viêm, trong đó có cả paracetamol mà trong cộng đồng hiện đang dùng rộng rãi. Những người có tiền căn viêm gan mà mắc các loại bệnh khác, khi đến khám bệnh, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ biết để có sự lựa chọn thuốc cho phù hợp tránh làm nặng thêm tình trạng bệnh lý của gan. Nghỉ ngơi, tránh làm việc nặng nhọc cũng là biện pháp hỗ trợ giúp cho gan hồi phục nhanh hơn. Khi gan hồi phục hoàn toàn, có thể ăn uống trở lại như bình thường.

Trong bệnh lý viêm gan mạn

Khi gan bị viêm mạn tính, hầu hết người bệnh không có biểu hiện gì đặc biệt mà vẫn cảm thấy sinh hoạt và ăn uống bình thường mặc dù chức năng gan đã có sự biến đổi ngày càng nhiều theo chiều hướng xấu hơn. Tuy nhiên, vẫn có một số ít người bệnh có cảm giác mệt mỏi và ăn uống kém đi.

Trong trường hợp này thì chế độ ăn cũng phải cân đối giữa các như chất đường, đạm, béo và tuyệt đối phải cung cấp đầy đủ năng lượng cho cơ thể. Vì có ăn uống đầy đủ chất và cung cấp đầy đủ năng lượng cho cơ thể thì mới có đủ sức kháng cự lại tình trạng viêm nhiễm của gan cũng như chống lại các tác dụng phụ do thuốc dùng trong quá trình điều trị gây ra. Khi người bệnh chưa có cảm giác mệt mỏi, chán ăn thì không nên quá kiêng khem trong ăn uống. Vì như thế sẽ làm cho người bệnh cảm thấy chán ăn, ăn uống kém, từ đó người bệnh càng mệt mỏi hơn, thiếu sức đề kháng của cơ thể và làm cho bệnh gan bị nặng hơn.


Tuy nhiên, trong chế độ ăn hàng ngày, người bệnh cũng không nên ăn các thức ăn có quá nhiều gia vị và dầu mỡ vì sẽ làm cho đầy bụng vì khó tiêu, nên ăn các loại thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao mà dễ tiêu hóa như đậu nành, đậu hũ... Cũng cần cung cấp đầy đủ chất bột, đường thông qua các loại bánh, trái cây ngọt để tránh tình trạng hạ đường huyết. Mặt khác, trong bệnh lý viêm gan mạn tính, người bệnh tuyệt đối không được uống rượu bia và các loại thức uống có cồn vì như thế sẽ làm cho tình trạng viêm của gan càng nặng thêm. 

Để giúp gan hồi phục, trong quá trình điều trị cần bổ sung thêm vitamin và khoáng chất. Nếu viêm gan mạn do rượu, cần phải bổ sung thêm vitamin nhóm B và acid folic đồng thời phải nghỉ ngơi và sinh hoạt bình thường, nên tập thể dục, thể thao vừa sức, tránh lao động quá nặng nhọc.

Trong vàng da tắc mật

Trong trường hợp có vàng da do tắc mật, người bệnh thường bị tiêu chảy và phân sẽ có váng mỡ do mật không được bài tiết xuống ruột đầy đủ để tiêu hóa chất béo. Ở trường hợp này, trong chế độ ăn phải hạn chế các chất mỡ động vật mà nên dùng các loại dầu nhất là dầu đậu nành để giúp thức ăn dễ tiêu hóa hơn.

Theo BS. Hồ Văn Cưng - Sức khỏe & Đời sống