Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2014

Bệnh tiêu chảy phân mỡ

(Thaythuocvietnam) -  - Bệnh tiêu chảy phân mỡ hay bệnh ruột nhạy cảm gluten là tình trạng phản ứng miễn dịch quá mức với gluten trong thức ăn.
 1. Bệnh tiêu chảy phân mỡ là gì?
Bệnh tiêu chảy phân mỡ hay bệnh ruột nhạy cảm gluten là tình trạng phản ứng miễn dịch quá mức với gluten trong thức ăn. Gluten là một loại protein có trong lúa mì, đại mạch, lúa mạch đen, một số người bị mắc bệnh tiêu chảy phân mỡ còn phản ứng với cả yến mạch. Điều trị bằng cách loại khỏi gluten ra khỏi chế độ ăn. Bệnh có thể dẫn đến các tình trạng nghiêm trọng hơn như loãng xương, vô sinh và ung thư ruột nếu không điều trị. Các triệu chứng thay đổi tùy người nhưng có thể bao gồm mệt mỏi, thiếu máu, tiêu chảy, bụng ấm ách khó chịu, sụt cân, nôn và loét miệng. Bệnh ở trẻ em có thể ảnh hưởng đến sự phát triển và tăng trưởng của trẻ.
Không dung nạp gluten gây phản ứng viêm làm tổn thương ruột. Các vi nhung mao trong lòng ruột trở nên bị viêm và dẹt lại (teo nhung mao) làm giảm bề mặt hấp thu các chất dinh dưỡng từ thức ăn. Khi đó cơ thể không thể hấp thu tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết từ thức ăn. Vì thiếu các chất dinh dưỡng nên những bệnh nhân mắc bệnh tiêu chảy phân mỡ không được chẩn đoán có thể có rất nhiều các biểu hiện dạ dày ruột và có thể bị thiều các chất dinh dưỡng.
2. Các biểu hiện của tiêu chảy phân mỡ
Các triệu chứng thay đổi từ nhẹ đến nặng bao gồm: đầy bụng, tiêu chảy, buồn nôn, mệt mỏi, táo bón, loét miệng, đau đầu, sụt cân, rụng tóc, các vấn đề về da, tầm vóc thấp, trầm cảm, vô sinh, sẩy thai nhiều lần và đau xương khớp. Một số triệu chứng có thể lẫn với các biểu hiện của hội chứng ruột kích thích hoặc không dung nạp lúa mì trong khi các triệu chứng khác lại được cho là do stress hoặc quá trình lão hóa.
Nên làm gì khi nghi ngờ mắc bệnh tiêu chảy phân mỡ
 Nếu bạn có các biểu hiện trên có thể bạn bị tiêu chảy phân mỡ và nên tiến hành các bước chẩn đoán sau đây:
Bước 1: đầu tiên là nói với bác sĩ những triệu chứng và lo lắng của mình. Không nên làm trong bước này là loại gluten ra khỏi chế độ ăn vì các xét nghiệm sẽ cho kết quả không chính xác. Tiếp tục ăn uống như bình thường và nếu bạn đã loại gluten ra khỏi chế độ ăn thì phải ăn lại ít nhất trong vòng 6 tuần trước khi làm xét nghiệm.
Bước 2: bác sĩ có thể cho làm xét nghiệm máu để kiềm tra kháng mô bọc sợi cơ và/ hoặc kháng thể transglutaminase mô.
Bước 3: sinh thiết ruột qua nội soi ống mềm để lấy một mẫu mô quan sát dưới kính hiển vi tìm những bất thường
Các nguy cơ đối với sức khỏe là gì?
Rất may là các nguy cơ đối với sức khỏe liên quan đến bệnh tiêu chảy phân mỡ là rất ít khi bạn có thể loại khỏi gluten ra khỏi chế độ ăn. Tuy nhiên có thể có các ảnh hưởng nghiêm trọng kéo dài nếu không được chẩn đoán cho tới giai đoạn muộn của cuộc đời vì có nguy cơ cao bị ung thư ruột, loãng xương và các vấn đề vô sinh.
Nguy cơ loãng xương tăng lên ở những người được chẩn đoán muộn do giảm hấp thụ calci vì vậy điều trị hiệu quả là rất cần thiết để tránh các biến chứng của loãng xương như gãy xương.
Tăng nguy cơ mắc bệnh ác tính như u lympho ruột là biến chứng nghiêm trọng nhất, tuy nhiên nguy cơ sẽ giảm về bình thường nếu loại gluten ra khỏi chế độ ăn trong vòng 3 - 5 năm.
Nguy cơ vô sinh và các biến chứng thai nghén tăng lên nhưng cũng sẽ giảm đi khi được chẩn đoán và loại ra khỏi chế độ ăn.
Các tình trạng liên quan với bệnh tiêu chảy phân mỡ?
Có mối liên quan giữa bệnh tiêu chảy phân mỡ và các bệnh tự miễn dịch khác, thường là đái tháo đường typ 1 (đái tháo đường phụ thuốc insulin) và giảm năng tuyến giáp.
Hầu như bệnh nhân viêm da dạng herpes đều có những mức độ khác nhau của bệnh tiêu chảy phân mỡ vì vậy điều trị thường bắt đầu bằng cách loại gluten ra khỏi chế độ ăn mặc dù nhiều bệnh nhân cần phải bắt đầu điều trị bằng thuốc.
Không dung nạp lactose là hiện tượng phổ biến hơn ở những người mắc bệnh tiêu chảy phân mỡ không được chẩn đoán hoặc mới được chẩn đoán. Nguyên nhân là do ruột không thể phân hủy lactose trong khi đang bị tổn thương dẫn đến các triệu chứng như đầy bụng, khó chịu. Nếu bạn cảm thấy không dung nạp lactose ra khỏi chế độ ăn sẽ ảnh hưởng đến lượng calci. Một khi ruột lành lại thì vấn đề thường được giải quyết.
3. Sự khác nhau giữa dị ứng và không dung nạp
Không dung nạp thức ăn thường được mô tả chung chung là phản ứng với thức ăn bao gồm dị ứng thức ăn thật sự và bệnh tiêu chảy phân mỡ mà cả hai loại này đều ảnh hưởng đến hệ miễn dịch. Tiêu chảy phân mỡ là bệnh tự miễn dịch do không dung nạp gluten, bệnh kéo dài và có các phương pháp chẩn đoán đặc hiệu liên quan đến nội soi và sinh thiết. Chẩn đoán dị ứng thức ăn dựa vào tiền sử ăn uống, phát hiện kháng thể và các xét nghiệm khác. Các triệu chứng bao gồm sưng miệng và họng, nôn, đau bụng, ban da, ho, giảm huyết áp và có thể dẫn đến sốc phản vệ.
Không dung nạp thức ăn không ảnh hưởng đến hệ miễn dịch và vấn đề thường chỉ là tạm thời. Các triệu chứng có thể bao gồm tiêu chảy, táo bón, các vấn đề da và hen phế quản và cách duy nhất để chẩn đoán là loại chất đó ra khỏi chế độ ăn.

1 nhận xét: